Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1335
Tổng lượt truy cập: 2,581,242

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì

05/11/2023 - Lượt xem: 37

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, diện mạo vùng dân tộc thiểu số 7 xã miền núi tại huyện Ba Vì đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Ngày 01/8/2023, đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Trải qua hơn 1 thập kỷ, huyện Ba Vì đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách năm 2022 đạt 511.700 triệu đồng, bằng 155,4% kế hoạch TP giao, 104,6% kế hoạch huyện giao, bằng 145,65% so năm 2021. Đặc biệt, là địa bàn có khoảng 28 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở 7 xã miền núi, chiếm tỷ lệ 37,1%. Trong đó xã Ba Vì là xã có chiếm tỷ lệ cao nhất với 93,4% là đồng bào dân tộc Dao. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, diện mạo vùng dân tộc thiểu số 7 xã miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Cụ thể, năm 2011, 7 xã miền núi có 2.693 hộ nghèo chiếm 13,15 %. Đến năm 2023 trên địa bàn 7 xã miền núi có 177 hộ nghèo, tỷ lệ giảm còn 0.69%. Theo quyết định 447/QĐ-UBDT, ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc T.Ư giai đoạn 2013 - 2015, huyện Ba Vì có 1 xã và 13 thôn đặc biệt khó khăn. Qua quá trình đầu tư, phát triển đến năm 2022, 7 xã: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều thuộc khu vực I; Không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, những năm qua, huyện Ba Vì luôn quan tâm thực hiện các chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là chính sách đối với người có uy tín góp phần phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân; cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được TP, huyện Ba Vì coi trọng.

"Huyện Ba Vì đang xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao phong phú, đậm đà bản sắc truyền thống. Ngoài việc tổ chức các lễ hội, sưu tầm, bảo quản hiện vật, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn được quan tâm khôi phục và phát triển như: Trang phục, nhạc cụ, các phong tục, tập quán tốt đẹp, làng nghề truyền thống và tiếng nói đặc biệt là của đồng bào Mường, Dao. Đó là việc phục dựng lại lễ hội Tản Viên Sơn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản, củng cố lại các đội cồng chiêng, tết nhảy, múa chuông, múa rùa, bắn nỏ, hát ru … Nhiều nét văn hóa của dân tộc thiểu số bị mai một đang từng bước được khôi phục, lưu truyền như: Tiếng nói, trang phục, hát sắc bùa, múa Mường cổ, văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường, lễ cấp sắc của người Dao" - ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết.

Cùng với việc gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các xã tiêu biểu trong việc tích cực tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống trên địa bàn là: Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại và Ba Vì…

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã được quan tâm, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

 

Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo KTĐT)

Tag: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE