Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4107
Tổng lượt truy cập: 2,600,015

Huyện Phúc Thọ: Từng bước xóa bỏ kinh tế thuần nông

05/11/2023 - Lượt xem: 30

Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực tiễn phát triển nông nghiệp được huyện Phúc Thọ xác định là giải pháp quan trọng nhằm từng bước xóa bỏ kinh tế thuần nông, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho người dân.

Hơn 10 năm trước, anh Đỗ Hoành Quân cùng các cộng sự thành lập nên Công ty TNHH Bio-Floc. DN chuyên nghiên cứu, sản xuất các dòng vi sinh gốc, phát triển thành các sản phẩm có hoạt tính sinh học cao và ổn định, nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

“Đơn vị hiện đã nghiên cứu, sản xuất được hàng chục sản phẩm làm sạch môi trường nuôi trồng thủy sản, men tiêu hóa phòng bệnh cho vật nuôi, xử lý khí độc trong ao nuôi… Ngoài lĩnh vực thủy sản, chúng tôi cũng mở rộng nghiên cứu công nghệ vi sinh ứng dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt” - Giám đốc Công ty TNHH Bio-Floc Đỗ Hoành Quân cho hay.

5 năm trước, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) bắt tay vào phát triển mô hình canh tác chuối ven bãi sông Hồng. Hơn 250 thành viên của HTX tập trung tổ chức sản xuất trên tổng diện tích khoảng 100ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế cho cây chuối, HTX chủ yếu sử dụng giống tiên tiến, phổ biến hiện nay là chuối tiêu hồng nuôi cấy mô không biến đổi gen của Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư.

Gần 200 triệu đồng cũng được HTX đầu tư cho hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ công đoạn sơ chế, bảo quản nhằm giữ cho những trái chuối có được chất lượng tốt nhất trong thời gian dài. Nhờ được UBND TP Hà Nội chứng nhận OCOP 4 sao, việc tiêu thụ chuối Vân Nam thêm thuận lợi, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm thành viên của HTX.

Hai mô hình kinh tế kể trên cho thấy hiệu quả tích cực của việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới sản xuất trên nền tảng tri thức đã mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho các chủ thể; góp phần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

Huyện Phúc Thọ là địa phương thuần nông, vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi được xem là giải pháp hết sức quan trọng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 3.500ha canh tác các giống lúa chất lượng cao được nghiên cứu, khảo nghiệm bởi các viện nghiên cứu, DN đầu ngành. Kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn Viet GAP, an toàn, phương thức hữu cơ cũng đang được nông dân địa phương thực hiện trên diện tích gần 500ha… Diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao của huyện hiện đạt khoảng 35ha.

Khoa học và công nghệ cũng được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực chăn nuôi. Từ năm 2021 đến nay, huyện Phúc Thọ đã tham gia chương trình “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind”, và chương trình thụ tinh nhân tạo bằng các giống bò cao sản. Đến nay, mỗi năm có hàng nghìn con bê BBB được sinh ra, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện.

Cũng theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, địa phương đã và đang phát triển nhiều mô hình chăn nuôi gà sinh sản, ấp trứng gà bằng công nghệ cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Viet GAP. Sử dụng các loại giống thủy đặc sản vào thực tiễn nuôi trồng như: cá điêu hồng, cá chép giòn, cá lăng…, kết hợp với công nghệ cải thiện môi trường ao nuôi bằng chế phẩm vi sinh và kỹ thuật yếm khí.

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, huyện Phúc Thọ cũng chú trọng hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Đến nay, địa phương đã có 7 sản phẩm được xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code gồm: bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, rau an toàn Xuân Phú, rau thủy canh Hiệp Thuận, táo của HTX sông Đáy (xã Hiệp Thuận) và thịt lợn sinh học xã Thọ Lộc.

Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ còn có 7 sản phẩm đã được đăng ký và công bố nhãn hiệu gồm: chuối Vân Nam, bưởi Phúc Thọ, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp, bưởi Tam Vân, rau Xuân Phú và thịt lợn Phúc Thọ.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây. Dù vậy, để chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa nền nông nghiệp nơi vùng đất 3 sông, vẫn còn đó nhiều việc cần làm.

Nhận thức của chính quyền một số xã, thị trấn về vai trò của khoa học và công nghệ tuy có chuyển biến, song vẫn còn thiếu những giải pháp cụ thể. Các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ chưa thực sự đồng bộ, nhất là nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu giữa Nhà nước, DN, nhà khoa học và chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp nói riêng, không có con đường nào khác ngoài việc tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất; biến kinh tế thuần nông thành nền kinh tế dựa trên tri thức.

Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, DN, chủ thể sản xuất, kinh doanh; tích cực thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương cũng sẽ được huyện chú trọng, gắn với tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ của các nông sản chủ lực; đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa.

Cùng với những giải pháp nêu trên, huyện Phúc Thọ cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các sở: NN&PTNT, KH&CN, Công Thương nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở xây dựng và quản lý dữ liệu; ứng dụng công nghệ, giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc cho nông sản, hàng hóa.

Để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Đình Sơn kiến nghị các Sở: KH&CN, NN&PTNT, Công Thương tiếp tục hỗ trợ công tác địa phương trong nhiệm vụ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh Phúc Thọ. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề đào tạo, hỗ trợ lao động nông thôn tiếp cận xu hướng công nghệ như sản xuất sạch, marketing online, thương mại điện tử…

UBND huyện Phúc Thọ đang phối hợp cùng Sở KH&CN Hà Nội triển khai thực hiện loạt dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển 5 nhãn hiệu gồm: Du lịch Tích Giang; Rau an toàn Thanh Đa; Trứng vịt Phụng Thượng; Hành Võng Xuyên; Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Sen Phương.

 

Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo KTĐT)

Tag: Huyện Phúc Thọ: Từng bước xóa bỏ kinh tế thuần nông
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE