Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5830
Tổng lượt truy cập: 2,887,130

Hà Nội ứng dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến: Hiệu quả kinh tế cao

15/06/2023 - Lượt xem: 74

Hà Nội là địa phương ứng dụng thành công phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI), mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường và trở thành mô hình điểm cho nhiều tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, việc áp dụng sản xuất lúa SRI toàn phần vẫn còn nhiều khó khăn, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân.

Hệ thống canh tác lúa cải tiến (System of Rice Intenfisication - SRI) là phương pháp canh tác lúa sinh thái, có năng suất, chất lượng cao, nhưng lại giảm chi phí đầu vào các khâu: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới. SRI dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Cấy mạ non, cấy thưa vuông mắt sàng, cấy nông tay. Đối với việc điều tiết nước, phải rút nước xen kẽ 3-4 lần/vụ, nhất là sau khi bón phân lần đầu; luôn giữ ẩm đất, làm cỏ sục bùn ít nhất 2 lần trong khoảng thời gian 10 đến 12 ngày và 25 đến 27 ngày sau cấy. Nông dân bón phân NPK theo nhu cầu từng giống, bảo đảm cân đối, khuyến khích bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục. Tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương có thể áp dụng tất cả nguyên tắc kỹ thuật ngay từ vụ đầu hoặc có thể áp dụng "từng phần", tiến tới "áp dụng toàn phần".

Tại Việt Nam, SRI được triển khai lần đầu tại Hà Nội từ năm 2003. Sau 20 năm đưa kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến vào cuộc sống, phương pháp này đã lan tỏa tới 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, từ năm 2003 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã mở nhiều lớp tập huấn ngay trên đồng ruộng. Cán bộ bảo vệ thực vật đồng hành cùng nông dân từ trước khi gieo cấy 1 tháng, đến lúc thu hoạch.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Hà Tuyên thông tin, mỗi vụ, hợp tác xã chọn một thửa ruộng khoảng một mẫu tại các vị trí gần đường giao thông để làm điểm. Khi mô hình thành công, hợp tác xã tổ chức hội nghị đầu bờ và phổ biến rộng rãi đến các hộ dân. Thấy rõ hiệu quả, đến nay, hơn 500ha lúa của Hợp tác xã Hợp Tiến đã áp dụng 100% phương pháp thâm canh lúa cải tiến, năng suất lúa cao nhất, nhì thành phố, đạt từ 70-80 tạ/ha/vụ.

Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, việc tập huấn cho nông dân các xã, thị trấn tham gia phương pháp thâm canh lúa cải tiến cũng được thực hiện thường xuyên. Vụ xuân năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với UBND xã Đại Cường, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Cường tổ chức mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng hữu cơ, với sự tham gia của 200 hộ dân, trên quy mô canh tác khoảng 50ha. Nhờ áp dụng SRI, nông dân xã Đại Cường đã tiết kiệm 40% lượng giống lúa, tiết kiệm từ 2 đến 3 lần tưới/vụ, năng suất đạt gần 80 tạ/ha, tăng 7,8% so với ruộng cấy lúa truyền thống. Đặc biệt, lợi nhuận ruộng cấy lúa mô hình SRI đạt 43,7 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với ruộng lúa cấy ngoài mô hình (32,8 triệu đồng/ha).

Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, áp dụng phương pháp SRI, nông dân hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi cấy thưa, ruộng thoáng, ít sâu bệnh, giúp bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân. Hà Nội đang là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn trong khu vực với 170.000ha, trong đó diện tích ứng dụng SRI toàn phần khoảng 11.000ha, còn lại là ứng dụng từng phần.

 

Hiệu quả kinh tế đã rõ, song việc áp dụng SRI toàn phần trên địa bàn thành phố mới đạt gần 10%. Khó khăn lớn nhất trong mở rộng diện tích SRI toàn phần hiện nay vẫn là khâu cấp và rút nước.

Sau gần 8 năm áp dụng SRI, bà Tạ Thị Nhiễu ở xã Đại Cường (huyện Ứng Hòa) cho rằng, SRI là phương pháp canh tác tối ưu nhất cho nông dân, nhưng phải qua 2-3 vụ nông dân vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mới có thể thành công. Còn Bí thư Đảng ủy xã Đại Cường Nguyễn Thế Anh kiến nghị, để mở rộng diện tích cấy lúa SRI toàn phần, ngành Nông nghiệp và huyện cần tiếp tục mở các lớp tập huấn trên đồng ruộng, nông dân được “cầm tay chỉ việc” các nguyên tắc SRI.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Xuyên Lương Văn Hoan chia sẻ, cơ sở hạ tầng của hệ thống thủy lợi tại địa phương chưa đồng bộ, nên khó có thể triển khai rút nước theo từng giai đoạn của quy trình SRI. Đặc biệt, hệ thống tưới nước của địa phương bị ảnh hưởng lớn từ ô nhiễm môi trường của sông Nhuệ, nên rất cần các cấp, các ngành đầu tư hơn nữa cho hệ thống tưới tiêu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp về việc nhân rộng mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI toàn phần. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, vốn, giống, vật tư...; mở các lớp tập huấn thâm canh lúa cải tiến SRI dài ngày theo vụ, từ đó, xây dựng những vùng lúa hàng hóa chất lượng./.


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: theo Báo HNM)

Tag: Hà Nội ứng dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến: Hiệu quả kinh tế cao
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE