Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 401
Tổng lượt truy cập: 2,572,506

Giàu từ nghề làm rượu cần

20/01/2024 - Lượt xem: 13

Không chén chú chén anh, đồng bào Ê Đê sinh sống trong dải đất Tây Nguyên lại thể hiện sự đoàn kết và sum họp với nhau qua văn hóa trong uống rượu cần. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, thức uống đấy dần trở nên phổ biến, đem lại thu nhập và là nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào Ê Đê.
Rượu cần là loại rượu đặc biệt, nó đặc biệt hơn tất cả các loại rượu khác là được đựng bằng ché và dụng cụ uống rượu là cần. Rượu cần ở đâu cũng có, nhưng hễ nói đến rượu cần của người Ê Đê thì ta lại nghe không ngớt những lời khen về độ thơm ngon và hương vị đặc biệt khó loại rượu nào giống được.

Chẳng biết rõ từ khi nào mà rượu cần xuất hiện, theo lời kể của các bậc não làng trong buôn Êa Nao tại thành phố Buôn Ma Thuột chỉ biết rằng, từ thời xa xưa, khi con người còn chưa biết đến chăn nuôi, cày cấy, làm ăn sinh sống. Có một vị thần linh được trời phái xuống giúp họ mở mang tri thức, chăm lo phát triên nông nghiệp, thần dạy họ trồng lúa, trồng khoai, thổi cơm. Khi đời sống đi vào nề nếp, thần dạy họ cách nấu rượu. Thần cùng các vị trai làng vào rừng tìm kiếm củ gừng mang về trộn với bột gạo ngâm, nắm thành từng nắm nhỏ và phơi khô để làm men. Từ đó rượu đối với họ gắn liền với thần linh và trở thành thức uống quan trọng có mặt trong các lễ vật cúng tế, đám hỏi ma chay và để tiếp đãi khi có khách đến thăm nhà.
Đặc điểm của rượu cần người Ê Đê là 100% nguyên liệu ủ rượu được làm từ sản phẩm nông nghiệp mà họ trồng trọt, kết hợp với loại men từ lá cây rừng, sau thời gian chờ đợi ủ lên men kéo dài từ 2 đến 3 tháng sẽ tạo ra thành quả là ché rượu thơm ngon đặc trưng. Cùng công thức chung đó, mỗi gia đình người Ê Đê lại có những cách ủ rượu khác nhau để tạo ra những hương vị rượu ngon riêng.
Để làm ra một ché rượu cần thủ công chất lượng, phải trải qua nhiều công đoạn làm khá cầu kỳ. Thứ quan trọng nhất quyết định đến chất lượng rượu có ngon, có tốt hay không chính là ở men rượu. Men rượu cũng có hai loại, Men thủ công( hay còn gọi là men lá) được người Ê Đê lấy từ những thứ lá và quả sẵn có trong rừng và vườn nhà. Lá Hla hyao kết hợp với củ riềng và một vài loại lá bí mật, những thứ này giã đều cho thật nhuyễn với gạo tấm, sau đó nắm thành từng viên tròn, dải một lớp trấu mỏng cho khỏi dính rồi đem phơi khô để dành. Khi cần dùng đem giã nhỏ rắc vào cái rượu, tùy theo khối lượng gạo mỗi mẻ rượu cần từ 5 đến 9 viên. Men công nghiệp cũng có cách dùng tương tự, là men có sẵn nên tiết kiệm nhiều thứ, bù lại rượu sẽ không cho chất lượng ngon bằng.

Gạo vo cho sạch nấu chín thành cơm vừa phải sẽ giúp tránh được rượu bị chua hay hỏng trong quá trình ủ men. Sau đó, dùng cái mẹt lớn đan bằng tre để trải đều cơm ra cho nhanh bay hơi. Cơm nguội thì tiến hành rải men đều khắp các hạt cơm, trộn đều lên vài ba lần cho men thấm vào gạo, trộn trấu đã chuẩn bị từ trước như rải men. Rải thêm một lớp trấu dày tầm 3 cm dưới đáy ché, bỏ hỗn hợp vừa trộn xong vào, thêm một lớp trấu trên bề mặt, nén chặt, đậy lá chuối, đậy nắp rồi cột chặt đợi trong khoảng 2 tháng thế là có một ché rượu cần.
Rượu cần để lâu cũng không bị hỏng là nhờ lớp trấu được trộn với hỗn hợp cơm men sẽ hút các chất ẩm đồng thời tại độ thông thoáng cho quá trình ủ men. Tiêu chuấn ủ rượu là cứ một ché rượu 5 lít thì phải tốn 2,5 kg gạo nương. Thời gian càng dài hạt cơm với men cái tiếp xúc với nhau sẽ chuyển hóa tạo ra nhiều Enzim đường, do đó mà uống rượu càng thơm và đậm vị hơn.
Văn hóa vít cần của đồng bào Ê Đê
Đến với nhà sàn của người đồng bào Ê Đê, không khó để bắt gặp những ché rượu cần được xếp ngăn nắp bên góc nhà. Những ché rượu vài ba năm tuổi được cất kĩ tận cùng trong góc, chỉ để dành cho những dịp trọng đại khoặc khách quý mới được đem ra thưởng thức.
Đế thưởng thức rượu, người ta hái nắm lá cây không độc (như lá mít, bơ, ổi) rửa sạch, để ráo nước và nhồi vào miệng ché, nén chặt lớp cơm rượu trong ché. Việc lót lá nhằm mục đích để khi đổ nước vào, bã rượu không bị trào ra ngoài, đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché. Khoảng trống này là cữ cho người uống. Mỗi cữ khoảng 1/4 lít nước. Uống hết một cữ là phải tiếp thêm nước. Nước uống rượu phải là nước suối tinh khiết lấy vào buổi sáng sớm, đổ vào ché trước khi uống từ 5 - 7 tiếng để rượu đủ ngấm.
Trong mỗi cuộc uống rượu cần, gia chủ sẽ cử ra một người điều hành (người Ê Đê gọi là Pô gai kpiê) có nhiệm vụ điều hành cuộc rượu. Họ sẽ lần lượt mời khách thưởng thức rượu cần theo thứ tự từ già đến trẻ, nữ trước nam sau. Người điều hành cầm cần rượu uống một ngụm rồi nhổ đi, sau đó đưa mời. Trong văn hóa Ê Đê, phụ nữ được xem trọng nên người bắt đầu cuộc rượu thường là nữ chủ nhân buổi lễ hoặc nữ gia chủ, tiếp đó là những người khách có mặt ở buổi lễ. Trong suốt buổi uống rượu, chiếc cần được chuyền tay từ người này sang người khác thành một dây chuyền tiếp nối. Nếu người được chuyền đến tay không uống thì họ sẽ dùng ngón tay cái bịt đầu cần.
Giàu từ nghề làm rượu
Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống song rượu cần của người Ê-đê vẫn hiện hữu là một đồ uống đặc sản mang hương vị truyền thống dân tộc. Phong trào nấu rượu cần kinh doanh đang được nhiều bà con hưởng ứng mang lại thu nhập đáng kể cho bà con, quan trọng hơn đó là gìn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
H’Blây Niê vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống ủ rượu cần tại Buôn Hằng 1A, xã Ea Uy (huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk), Mặc dù mới ra đời nhưng thương hiệu “Rượu cần Y Kô Nan Niê” của chị đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Có tháng cơ sở chị được đơn 400 ché với giá từ 200.000 đồng - 350.000 đồng/ché.
Chị chia sẻ: “Từ nhỏ đã làm quen với cách ủ rượu của cha mình. Lớn lên có thêm cách sản xuất rượu cần công nghiệp nữa, tuy rằng tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng rượu thành phẩm không ngon bằng ủ tay”.
Đau đáu với suy nghĩ làm sao để sản xuất rượu năng xuất mà vẫn đảm bảo rượu luôn giữ được vị ngon đặc trưng. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại chị đã nghiên cứu thành công ra sản phẩm rượu cần Rượu cần Y Kô Nan Niê vừa áp dụng công nghiệp trong sản xuất nhưng giữ được cái cốt, cái hồn của rượu cần truyền thống. Nhờ đó mà năng suất được gia tăng, nhiều khách hàng uống ngon còn quay lại đặt đơn lớn.
Ở buôn Ea Tu thành phố Buôn Ma Thuột, gia đình chị Ami Dao là một trong số nhiều hộ gia đình trong buôn cũng đang hưởng ứng phóng trào sản xuất rượu cần. Ngoài những giờ làm nương rẫy, chị và gia đình lại ủ rượu cần theo đơn đặt hàng.
Chị tâm sự: “Chúng tôi rất mong muốn đưa sản phẩm của đồng bào mình đến nhiều nơi, mà muốn được người tiêu dùng yêu thích thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là chất lượng của rượu phải tốt. Việc kinh doanh rượu cần ngoài việc đem lại thu nhập, cái quan trọng mà chúng tôi hướng tới gìn giữ được “hồn cốt” của dân tộc”.
Mỗi tháng gia đình chị sản xuất và bán ra thị trường khoảng 30 đến 100 ché tùy theo đơn đặt hàng, ché nhỏ nhất có giá 230 nghìn đồng mang lại cho gia đình thu nhập ổn định. Hiện tại, chị đang làm thủ tục đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm ruợu cần AmiDao.
Bên cạnh những dòng rượu cần “handmade” được sản xuất với số lượng nhỏ lẻ, những thương hiệu như “Rượu cần Y Nay”, “Rượu cần Y Kô Nan Niê” của nhiều người trẻ Ê Đê ở Đắk Lắk cũng đang dần được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đây là một tín hiệu vui, truyền cảm hứng cho thêm nhiều người trẻ trên bước đường lập thân, lập nghiệp từ loại đồ uống truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc mình.


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Giàu từ nghề làm rượu cần
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE