Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8749
Tổng lượt truy cập: 2,786,913

Tỉnh Thái Nguyên: Đặc sản Bánh chưng bờ Đậu nức tiếng đất Phú Lương

30/06/2022 - Lượt xem: 272

Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với chè Khe Cốc mà còn được bạn bè biết đến với những sản vật địa phương đặc biệt. Trong số những sản vật đó không thể không kể đến bánh chưng Bờ Đậu.
 
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu.  Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu hình thành cách đây 60 năm và năm 2009 chính thức được tỉnh Thái Nguyên công nhận là làng nghề truyền thống với trên 50 hộ gia đình chuyên làm bánh
 
 
Có dịp tìm hiểu chúng tôi được biết, khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100% người dân đều gói thủ công bằng tay. Mặc dù gói bằng tay, nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của những người thợ, từng chiếc bánh chưng vẫn vuông thành sắc cạnh. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng bánh chưng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được. Người dân ở đây cho hay, việc gói bằng tay sẽ có thể điều chỉnh cho chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau, khi cho vào luộc không hề bị méo mó, căng phồng chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh. 
 
Bà  Nguyễn Bích Liên, chủ hộ kinh doanh Nguyễn Bích Liên cho biết: “Để có được những chiếc bánh mang thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng thì khâu chọn nguyên liệu và sơ chế nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Gạo nếp để gói bánh được mua ở vùng xã Ôn Lương mới chuẩn, hạt gạo mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Đỗ xanh được đãi sạch và đồ chín sau đó chia thành từng phần nhỏ cho từng chiếc bánh. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc. Bánh được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. 
 
Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng ở đây được lấy từ các giếng đào hoặc khoan của các mạch ngầm từ dãy núi Sơn Cẩm”. Có lẽ, nhờ sự ưu đãi từ thiên nhiên với nguồn nước mát lành từ dãy núi đá ong Sơn Cẩm mà những chiếc bánh chưng Bờ Đậu khi luộc xong vẫn giữ được màu xanh của lá (điểm nổi bật khác với bánh chưng được làm từ những nơi khác).
 
Mặc dù Làng nghề  bánh chưng Bờ Đậu đã hình thành từ lâu và các sản phẩm bánh chưng của làng nghề nức tiếng thơm ngon từ xưa. Xong để xây dựng được thương hiệu và phát triển bền vững thì cần phải có chính sách cùng với hướng đi đúng.
 
 
Nắm được điều đó, chính quyền xã đã vận động người dân tham gia thành lập hợp tác xã và hợp tác xã truyền thống bánh chưng Bờ Đậu đã được thành lập. Các hộ kinh doanh trong làng cũng đã bắt đầu nghĩ tới phát triển thưởng hiệu, điển hình là hộ kinh doanh Nguyễn Bích Liên do bà Nguyễn Bích Liên làm chủ. Hiện nay, hộ kinh doanh của bà Nguyễn Bích Liên đã có hai sản phẩm là Bánh chưng vuông truyền thống Bích Liên và Bánh chưng xanh lá giềng Bích Liên đăng ký, tham gia, đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP huyện Phú Lương năm 2021 và đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện. 
 
Việc những sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu đầu tiên được công nhận sản phẩm OCOP là tiền đề để các sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
 
 

 

 

Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo TC LNV))

Tag: Tỉnh Thái Nguyên: Đặc sản Bánh chưng bờ Đậu nức tiếng đất Phú Lương
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE