Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 644
Tổng lượt truy cập: 2,775,370

"Quả ngọt" nông thôn mới huyện Mê Linh: Đổi thay toàn diện, hướng tới thành phố phía Bắc Thủ đô

12/12/2022 - Lượt xem: 304

Tối ngày  09/12/2022, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công bố điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, nay là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, diện mạo nông thôn Mê Linh có nhiều khởi sắc. Tháng 6/2022, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn NTM năm 2020 và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng huyện Mê Linh

Ngay từ khi thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân", Huyện ủy Mê Linh đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái… Đảng bộ huyện Mê Linh đã xây dựng các chương trình công tác lớn, trọng tâm toàn khóa, từ nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đến nhiệm kỳ 2020-2025 để thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng với việc huy động cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở vào cuộc, triển khai tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Huyện ủy Mê Linh đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác triển khai xây dựng NTM ở các cấp, ngành và địa phương. Từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đồng hành cùng cấp ủy địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nhờ đó chương trình xây dựng NTM của huyện có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.

Sau hơn 10 năm, huyện đã bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Đặc biệt, người dân trên địa bàn còn tham gia 6.400 ngày công, hiến hơn 100.000m2 đất ở và đất nông nghiệp...

Từ nguồn lực này, Mê Linh đã tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo hơn 543km đường giao thông các loại; thay mới hơn 311km đường dây điện trung thế và hạ thế, 137 trạm biến áp; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhiều trường học… 

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, như: Vùng trồng hoa tại các xã Mê Linh (190ha), Văn Khê (110ha), Đại Thịnh 80ha; vùng trồng rau an toàn tại các xã Tráng Việt (200ha), Văn Khê (90ha), Tiền Phong (80ha), Tiến Thắng (70ha); phát triển 7 chuỗi liên kết sản xuất có quy mô gần 1.000ha tại 6 xã, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng từ 120 - 150%; thu nhập bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/mô hình/năm.

Các xã thành lập được 32 tổ bảo vệ môi trường; xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn kiểu mẫu…

Bền bỉ, nỗ lực với nhiều giải pháp sáng tạo, đến nay 16/16 xã của Mê Linh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM. Diện mạo nông thôn Mê Linh ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đạt 58,6 triệu đồng/người/năm; huyện không còn hộ nghèo… 

Phát biểu tại buổi lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận Huyện Mê Linh đạt chuẩn NTM, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, sự kiện là niềm vui lớn của huyện Mê Linh nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Bà Tuyến cho biết, theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cùng với huyện Đông Anh và Sóc Sơn, huyện Mê Linh được định hướng theo hướng phát triển đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai.

"Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", bà Tuyến nói.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Mê Linh đặt mục tiêu thu nhập của người dân nông thôn đạt 65-70 triệu đồng/người/năm; lao động qua đào tạo đạt 80-85%; 90% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa"; hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, huyện có 8 xã đạt NTM nâng cao và 4 xã NTM kiểu mẫu.

Dự kiến, trong 5 năm tới, Mê Linh sẽ phải huy động nhiều nghìn tỷ đồng, triển khai hàng trăm dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, có các dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn khoảng 2.300 tỷ đồng, như: Đường cảng Chu Phan đi quốc lộ 23B, tuyến đường Tiền Phong đi Tự Lập, tuyến đường 48 nối từ trung tâm hành chính huyện đến đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh... Toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông này của huyện sẽ được khớp nối với đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm tạo động lực cho địa phương phát triển.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ này tạo tiền đề quan trọng để Mê Linh trở thành một quận của thành phố trong giai đoạn 2025-2030, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố phía Bắc Thủ đô vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Danviet.vn)

Tag: "Quả ngọt" nông thôn mới huyện Mê Linh: Đổi thay toàn diện hướng tới thành phố phía Bắc Thủ đô
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 644
Tổng lượt truy cập: 2,775,370