Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 2523
Tổng lượt truy cập: 14,851,514

Nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình trồng sen

10/08/2024 - Lượt xem: 2

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân khôi phục, đưa những giống sen mới vào sản xuất. Hà Nội hiện có khoảng 600ha diện tích trồng sen, phấn đấu năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 900 ha. Các mô hình trồng sen không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Ở Việt Nam có nhiều địa phương trồng sen nổi tiếng, như: Sen Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), sen Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), sen Nam Đàn (tỉnh Nghệ An).
Ở Hà Nội, nhắc đến hoa sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp của vùng đất Tây Hồ. Sen Bách Diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát; có màu sắc và hương thơm độc đáo, khác biệt so với hoa sen của các vùng đất khác. Khó có thể khẳng định thời điểm những cây sen đầu tiên “định cư” ở hồ Tây. Nhưng từ lâu người Hà Nội đã tự hào với giống sen bách diệp (trăm cánh) ở nơi này với câu ca: “Ðấy vàng đây cũng đồng đen/ Ðây hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”.

Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Để bảo tồn và phát triển cây sen quý Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn được qua việc lai tạo, nhập nội giống.
Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình “Sản xuất hoa sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại quận Tây Hồ.
Mô hình trồng sen Bách Diệp trên địa bàn quận Tây Hồ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2024, với diện tích 7ha ở 2 hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên, trồng 7.000 cây sen giống Bách Diệp, mỗi hồ là 3.500 cây sen giống và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên các ao, hồ thuộc quận trong những năm tiếp theo. Đến nay, mô hình đã đạt được kết quả rất đáng kích lệ, sen sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa rất đẹp, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Ông Bùi Mạnh Hiếu, chủ đầm sen hồ Đầu Đồng cho biết: “Mô hình trồng và nhân rộng sen Bách Diệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái. Từ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, đầm sen của gia đình đã phát triển rất tốt và cho thu hoạch bội thu, trên 35.000 bông sen. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân mà còn tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du khách, giúp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và bảo tồn nét đẹp tự nhiên cũng như văn hóa truyền thống”.
Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong thử nghiệm trồng sen, bà Trần Thị Thủy, chủ đầm sen hồ Thủy Sứ Trên cho hay: “Trong quá trình triển khai mô hình, UBND quận Tây Hồ đã thường xuyên kiểm tra vùng trồng để ghi nhận sự phát triển của cây sen, qua đó kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Mô hình phát triển sen Bách Diệp không chỉ được trồng và chăm sóc một cách bài bản, mà còn được phát triển thành sản phẩm có thương hiệu là trà sen Tây Hồ.
Chúng tôi mong rằng, trong tương lai, chính quyền quận Tây Hồ sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là các dự án liên quan đến sen Tây Hồ, điều này sẽ giúp cho sen có thể mọc quanh năm, tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và thu hút du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng sen tại hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên tại phường Quảng An, ông Trần Gia Hùng - Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, sau 4 tháng triển khai, quá trình trồng, chăm sóc sen tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ Trên nói riêng và các hồ sen trên địa bàn quận nói chung đã đạt kết quả tốt. Từ 7.000 cây sen giống, hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên đã tạo ra 55.000 bông, tỉ lệ bông sen bao phủ trên diện tích hồ là 90%, giá trị kinh tế ước tính đạt trên 350 triệu đồng.

“Thời gian tới, quận Tây Hồ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng”, ông Hùng cho biết thêm.
Không chỉ phát triển trồng sen ở hồ Tây, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả. Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600ha, tập trung ở Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa…
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây sen và việc xây dựng Đề án phát triển, tăng diện tích trồng sen những năm tới, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Hà Nội phấn đấu năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 900ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng sen; tổ chức các hội thảo quốc tế, nghiên cứu, đặt hàng các nhà khoa học để có các giống sen nở “4 mùa”, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Xác định Hà Nội đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp nên rất cần liên kết với các tỉnh, thành khác trong phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là các giống sen quý, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Thành phố trong phát triển vùng trồng sen Bách Diệp nói chung, cây sen nói riêng; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt vào sản xuất tại các vùng chuyên canh sen của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình sản xuất hoa sen hàng hóa, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân… từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thúc đẩy du lịch phát triển và làm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn Thành phố.

 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: theo Báo LĐTĐ)

Tag: Nhân rộng phát huy hiệu quả các mô hình trồng sen
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 2523
Tổng lượt truy cập: 14,851,514