Hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với nông dân: Kịp thời lắng nghe, giải đáp vướng mắc của nông dân
30/11/2024 - Lượt xem: 3
Tại Hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội sáng 29/11, nông dân Thủ đô đã kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề: chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; chuyển đổi số, liên kết hợp tác sản xuất; xây dựng vùng sản xuất và xúc tiến thương mại.
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của nông dân Thủ đô, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, có 68 ý kiến, qua tổng hợp có 36 kiến nghị theo 3 nhóm vấn đề.
Tại hội nghị, có 12 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, cán bộ Hội Nông dân cơ sở nêu câu hỏi với lãnh đạo thành phố. Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ngành trao đổi, giải đáp từng kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Hồng, hội viên nông dân xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế, chính sách của TP trong việc thúc đẩy liên kết 6 nhà “Nhà nước, nông dân, nhà khoa học; doanh nghiệp; ngân hàng; nhà phân phối” nhằm giúp nông dân sản xuất nông sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Sở Công Thương và các sở, ngành TP tiếp tục thông tin, mời các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản của các địa phương.
Trên cơ sở rà soát mục sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương, sản phẩm mùa vụ cần kết nối vào các kênh phân phối: siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của các huyện, Sở Công Thương cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân làm việc trực tiếp đến bộ phận thu mua của các kênh phân phối để gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn vào hàng của các kênh phân phối để kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà bày tỏ mong muốn, được biết, triển khai Luật Đất Đai năm 2024, TP sẽ cho phép các hợp tác xã sản xuất rau an toàn công nghệ cao làm khu vự phụ trợ thiết yếu như: nhà sơ chế, kho lạnh, khu bảo quản nông sản khô và vật tư sản xuất, bao gói, khu chứa nước tưới, lắp đặt nhà màng… như thế nào?
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định Quy định về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội theo quy định tại khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai và khoản 1 Điều 9 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định về sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng dự thảo quyết định, đang trong quá trình xin ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan, dự kiến trình UBND TP ban hành trong quý I/2025.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Phương đề nghị TP có chính sách đặc thù hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp như: xây dựng App nông dân, phầm mềm quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, phầm mềm quản lý hội viên, hỗ trợ trang bị thiết bị ứng dụng chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân.
Giải đáp câu hỏi này, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: để việc triển khai chuyển đối số, ứng dụng CNTT trong hội nông dân một cách tổng thể, Hội Nông dân TP cần chủ trì xây dựng Đề án trong đó đánh giá hiện trạng, sự cần thiết và đề ra một số nội dung chính bao gồm: mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý chia sẻ: hệ thống truy xuất nguồn gốc TP Hà Nội tại địa chỉ Check.hanoi.gov.vn do Sở NN&PTNT Hà Nội đang chủ trì vận hành đã tạo hiệu ứng rất tốt cho quản lý an toàn thực phẩm, nhận diện và khẳng định thương hiệu nông sản của nông dân, hợp tác xã. Để đáp ứng trong bối cảnh mới, bà Lý đề nghị UBND TP nâng cấp thêm modul Livestream nhật ký sản xuất, bán hàng; đồng thời phân công Hội Nông dân TP vai trò truyền thông, tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật khuyến khích sử dụng, phát triển cơ sở dữ liệu người dùng.
Về nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Từ năm 2018 đến nay, Hệ thống truy xuất nguồn gốc TP Hà Nội tại địa chỉ Check.hanoi.gov.vn hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản lên hệ thống.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc này cũng đã được liên kết ứng dụng “công dân thủ đô số” iHanoi và phát triển hoàn thiện sẵn sàng kết nối với thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, Hội Nông dân TP cần có nội dung đề xuất cụ thể, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT (Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) để cùng xem xét tính phù hợp, tính khả thi và hiệu quả mang lại trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Giám đốc HTX nông nghiệp xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Đình đề nghị TP quan tâm cho mở rộng trung tâm thiết kế sáng tạo, trưng bày các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại các chợ truyền thống trên địa bàn.
Giải đáp và thông tin thêm về các giải pháp của TP, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho hay: ngày 25/10/2022 UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2025.
Nguồn kinh phí triển khai việc phát triển các Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2025, được huy động từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định; nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác.
Tính đến hết năm 2023, TP đã công nhận 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, trong năm 2024 đang khảo sát và hướng dẫn lập hồ sơ tại 6 điểm. Năm 2025 UBND TP tiếp tục hướng dẫn, công nhận thêm 5 - 8 mô hình Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP.
Về nội dung hỗ trợ xây dựng và phát triển các cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại các chợ truyền thống, TP đã chỉ đạo Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp với Ban quản lý các chợ và đại diện Hội nông dân rà soát, lựa chọn các vị trí, kiot trong khu vực chợ dân sinh, đặc biệt là chợ dân sinh khu vực nội thành, đáp ứng được các tiêu chí cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn chợ để ưu tiên xây dựng và phát triển Hệ thống. Cơ chế, chính sách thực hiện theo Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP về ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Phùng Huy Hội, hội viên nông dân xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) gửi đến lãnh đạo TP câu hỏi: TP đã triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: để xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, phục vụ Nhân dân trên địa bàn TP và xuất khẩu, TP đã ban hành Danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn TP Hà Nội tại Quyết định số 4537/QĐ-UBND ngày 11/9/2023.
Hiện nay, Danh mục đang được rà soát và đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của các vùng/khu sản xuất chuyên canh tập trung. UBND TP đã giao UBND cấp huyện phê duyệt chi tiết các khu, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của địa phương.
Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo HNM)
Các tin tức khác