Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 481
Tổng lượt truy cập: 2,861,943

Hà Nội: Sản phẩm từ tơ chuối đạt OCOP 4 sao

30/06/2022 - Lượt xem: 248

Từ nhiều năm nay, cây chuối vốn được trồng để lấy quả, sau khi thu hoạch, phần thân thường bỏ đi. Song, với năng lực sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các thành viên Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã “biến” thân cây chuối thành một loại sợi tơ - nguyên liệu làm ra hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có giá trị xuất khẩu cao, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, cải thiện môi trường...
 
Dọc cánh bãi bồi ven sông Hồng tại các xã: Khai Thái, Hồng Thái của huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là vùng trồng chuối trải dài ngút tầm mắt. Ở đất này, cây chuối mang lại nhiều đổi thay cho các hộ dân bởi toàn bộ quả, thân, lá đều trở thành sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế cao. Trong đó, thân cây chuối trước đây người dân thường bỏ đi, nay được tận dụng lấy tơ, làm nguyên liệu tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Đức Tuấn cho biết: "Từ lợi thế của địa phương có vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm héc ta, tôi đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này".
 
 
Để lấy tơ, Hợp tác xã thu mua cây chuối (khi đã thu hoạch quả), sau quá trình làm sạch, thân cây tiếp tục được đưa vào máy xẻ để tách bẹ, phân loại bẹ rồi cho vào máy tuốt sợi. Sau đó, những sợi tơ chuối tiếp tục được phơi nắng cho khô. Sợi chuối có đặc tính dẻo dai, thấm hút tốt, có khả năng kháng nấm mốc; sản phẩm từ tơ chuối thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện… Từ sợi tơ chuối, những người thợ thủ công ở Khai Thái đã tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm... với nhiều kiểu dáng độc đáo, theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Nước ép từ thân cây chuối kết hợp với quả chuối chín ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả; bã từ thân chuối được ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất lại thân thiện với môi trường.
 
Nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái là một trong những điểm sản xuất của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái. Nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp người rút sợi chuối. Các bà, các chị thoăn thoắt đôi tay tuốt những bó sợi chuối thô cho óng ả, mượt mà hơn, rồi bện, tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu. Một tấn thân chuối trung bình thu được 10-15kg sợi chuối - sau khi phơi khô, tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giá trị kinh tế được nâng lên rất nhiều.
 
Bắt đầu hoạt động từ tháng 9-2019 với xuất phát điểm là tổ hợp sản xuất tơ chuối, đến tháng 6-2020, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái được thành lập. Thời điểm hiện tại, quy mô của Hợp tác xã đã được mở rộng với 3 cơ sở sản xuất tại các thôn: Lập Phương, Vĩnh Trung. "Hợp tác xã đang tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó người có thu nhập thấp nhất cũng được 4,5 triệu đồng/tháng; người có thu nhập cao lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng. Công việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối không quá nặng nhọc nên người cao tuổi cũng có thể tham gia, tạo nguồn thu nhập đáng kể mỗi tháng", anh Nguyễn Đức Tuấn cho biết.
 
Mới đây, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của Hợp tác xã đã tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội, đó là: Túi, lọ hoa, giỏ đựng đồ... và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội chấm điểm đạt “4 sao”.
 
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên) là mô hình đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ thân cây chuối. Thành công từ mô hình này mở ra một ngành kinh tế nông nghiệp mới, “biến” thân chuối bỏ đi sau thu hoạch trở thành nguồn lợi có giá trị… Những sản phẩm OCOP được làm từ sợi chuối có nét độc đáo, mang đậm sức sáng tạo của người dân Khai Thái, không chỉ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường mà còn góp phần làm cho đời sống người dân nơi đây thêm đủ đầy, sung túc...
 
Từ thành công ban đầu của mô hình trên, rất cần nhân rộng những mô hình sản xuất giàu tính sáng tạo, thân thiện với môi trường tại các địa phương để nông thôn của Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp và giàu hơn..
 

 

 

Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo TC LNV))

Tag: Hà Nội: Sản phẩm từ tơ chuối đạt OCOP 4 sao
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE