Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5228
Tổng lượt truy cập: 2,856,850

Hà Nội: Nhiều giải pháp phát triển tiêu thụ sản phẩm OCOP

25/07/2022 - Lượt xem: 865

Hiện thành phố Hà Nội có 1.649 sản phẩm đã được chứng nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Song song với mục tiêu tiếp tục phát triển mới sản phẩm, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.

Là huyện có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, Chương Mỹ đã tích cực triển khai Chương trình OCOP và đạt được kết quả khích lệ. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 99 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Năm 2022, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 50 sản phẩm OCOP nữa.
 
Thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2022, huyện Chương Mỹ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức tập huấn cho cán bộ và các chủ thể sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.
 
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến hết năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã phát triển được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
 
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tổ chức đánh giá, phân hạng thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực (sau 3 năm phải đánh giá, phân hạng lại), đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP.
 
Song song với việc củng cố, phát triển sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.
 
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường cho biết: Trong tháng 6-2022, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức thành công Festival nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội. Chương trình Festival đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm sản phẩm, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện.
 
Tương tự, tại huyện Ba Vì, Hội Nông dân phối hợp với Bưu điện huyện khai trương điểm kết nối giới thiệu và tiêu thụ nông sản tại Bưu điện huyện Ba Vì. Các sản phẩm được công nhận OCOP bày bán như: Miến dong Minh Hồng, khoai lang Đồng Thái, tương Khê Thượng, bún Cổ Đô, mật ong núi Tản Viên, chè Ba Trại… đều có tem nhãn và truy xuất được nguồn gốc.
 
Cùng với các huyện, thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Trong đó, tháng 3-2022, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tổ chức hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố thu hút trên 1 vạn lượt người tham quan, mua sắm, doanh số đạt trên 5 tỷ đồng.
 
Thành phố cũng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ do bộ, ngành trung ương và các tỉnh tổ chức như: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La... Tại các hội chợ này, khu gian hàng của Hà Nội đã thu hút từ 10 đến 20 nghìn lượt khách tham quan, trao đổi giao thương và mua sắm.
 
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trà xạ đen MD Queens (huyện Đan Phượng) Trịnh Kim Thư cho biết, công ty có sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và được thành phố hỗ trợ tham gia hội chợ để trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng; gặp gỡ, kết nối với các nhà bán lẻ, đưa sản phẩm ra thị trường tốt hơn.
 
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay thành phố còn xây dựng được 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã. Từ đây, tạo điều kiện tốt cho người dân nhận diện và tiêu thụ sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm…
 

Tổng hợp: (Nguồn: Phùng Giang (Theo Báo TTTĐ))

Tag: Hà Nội: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE