Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8736
Tổng lượt truy cập: 2,786,813

Xuất khẩu nông sản Hà Nội: Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

23/12/2022 - Lượt xem: 197

Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; năng lực chế biến thực phẩm yếu là những rào cản khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng. Thực trạng này đòi hỏi TP cần sớm gỡ khó, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm nông sản chủ lực trong thời gian tới.

Lượng nông sản xuất khẩu còn khiêm tốn

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, toàn xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó, 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
 
 
Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm)
 
Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường 40 - 50 tấn rau các loại, khoảng 70% sản lượng được đưa vào hệ thống siêu thị: Coop Mart, Metro, AEON... và các chợ đầu mối; số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Ngoài ra, xã Văn Đức còn duy trì xuất khẩu trung bình từ 300 - 500 tấn rau an toàn/năm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
 
Tại xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) với 270ha trồng chuối, đây được coi là thủ phủ trồng chuối của Hà Nội. Là một trong những hộ có diện tích trồng chuối lớn nhất tại địa phương, anh Sái Văn Triệu, ở xã Hoàng Kim đang trồng 70ha chuối tây chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Triệu thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi 1 tỷ đồng.
 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước gồm: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai) xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...
 
Bên cạnh đó, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu, trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn.
 
Đến nay, Hà Nội đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, 1.071 sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Đây là một trong những tiềm năng để nông sản của Hà Nội chinh phục thị trường khó tính, đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Tuy vậy, xuất khẩu nông sản của Hà Nội còn chưa tương xứng với tiềm năng do một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Trong khi đó, các cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản đa phần là cơ sở vừa và nhỏ, sản lượng cung cấp ít, chưa ổn định, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Đa giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
 
Nhiều chuyên gia nhận định, để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, các địa phương, trong đó có Hà Nội, cần hình thành vùng nông nghiệp tập trung; phát triển mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là giải pháp giúp nông sản nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
 
 
Vùng trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc tại xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh
 
Giám đốc Trung tâm Phát triển thông tin nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thế Anh khuyến nghị, để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, Hà Nội cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thực hiện hoạt động hỗ trợ các DN tham dự hội chợ, triển lãm tại các nước trong khu vực; đàm phán, tháo gỡ khó khăn để DN xuất khẩu dễ dàng tiếp cận thị trường.
 
Đưa ra giải pháp định hướng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, TP; tăng cường thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.
 
Song song với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất TP điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
 
Đặc biệt là tăng cường tập huấn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài... Qua đó, giúp cơ sở, DN chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
 
 

 


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: theo báo KTĐT)

Tag: Xuất khẩu nông sản Hà Nội: Hiệu quả chưa xứng tiềm năng
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE