Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5273
Tổng lượt truy cập: 2,857,005

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở các xã ven sông Đáy

18/05/2023 - Lượt xem: 429

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố Hà Nội, đến hết quý I/2023 thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Toàn thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM...

Nhà thư viện thôn được mượn làm địa điểm dạy học cho Trường mầm non Vân Côn C, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Đây là một thành quả lớn, một minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với công tác xây dựng NTM. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế.

Hiện nay, việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống dân sinh ở nhiều xã gặp vướng mắc hoặc không thực hiện được, do các địa phương này nằm trong Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Nhiều khó khăn khi nằm trong quy hoạch…


Xã Vân Côn, huyện Hoài Đức nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 20km. Năm 2014, toàn bộ xã đã “lọt thỏm” trong vùng phân lũ theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1821). Điều này đồng nghĩa với việc địa phương không được xây dựng mới hạ tầng kể cả các công trình phúc lợi xã hội và càng không thể thu hút đầu tư công nghiệp về xã.

Hiệu trưởng Trường mầm non Vân Côn C Nguyễn Thị Chuyên cho biết, do số lượng học sinh ngày một tăng, nên nhà trường được tách làm 3 cơ sở, thuộc 3 thôn, mỗi thôn có 4 lớp, nhưng vì không được xây mới nên các cơ sở được tách ra đang phải dạy và học nhờ ở nhà thư viện các thôn. Đồng thời, do học sinh ở bán trú đông, trường vẫn phải vận chuyển thực phẩm, thức ăn từ nhà bếp đến các lớp ở các thôn khác nhau.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các nhà thư viện thôn chưa bảo đảm cho không gian học tập của các cháu..., là một thiệt thòi cho các trẻ mầm non ở địa phương. Nhà thư viện là nơi sinh hoạt cộng đồng chung của cả xóm, lại phải nhường cho trường mầm non khiến nhiều khi các sinh hoạt khác không thể thực hiện được.

Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn chia sẻ, xã có 8 thôn, trong đó có những thôn như Vân Côn, Phương Quy, Ninh Thượng đã có từ hàng trăm năm nay, dân số ngày một tăng, quỹ đất của xã thì còn nhiều nhưng muốn mở rộng khu dân cư cũng hết sức khó khăn.

Bức thiết nhất là một số công trình như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế..., đã cũ, xuống cấp và dần không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhưng lại không được mở rộng hay đầu tư xây mới do vướng nằm trong vùng quy hoạch phân lũ.

Ở một địa phương khác ven sông Đáy, Trường mầm non xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp, được xây dựng từ hơn 20 năm trước, giờ đây đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập và tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao của địa phương. Trước thực trạng này, huyện Phúc Thọ đã bố trí hơn 25 tỷ đồng xây dựng ngôi trường mới thay thế.

Tuy nhiên, do nằm trong Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy nên dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Tương tự Vân Phúc, nhiều xã khác của huyện Phúc Thọ nằm trong khu vực lòng hồ Vân Cốc cũng chưa được phép đầu tư mở rộng quy mô các công trình giáo dục, y tế, văn hóa...

Cùng hoàn cảnh như Vân Côn, Vân Phúc, nhiều xã, thị trấn thuộc địa bàn các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa... không thể triển khai xây dựng các công trình phúc lợi xã hội mới, cũng như triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc khai thác bãi sông để phát triển kinh tế-xã hội... vì những vị trí đề xuất đầu tư xây dựng công trình nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy, khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội.

Cần có chính sách đặc thù?

Triển khai xây dựng NTM, Hà Nội có nhiều xã nằm phía ngoài đê, nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ theo Quyết định 1821, với đặc thù người dân đã định cư ổn định từ nhiều năm, cho nên nhiều năm nay, các xã này thường không được chấp thuận khi xây dựng những công trình hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn đầu tư xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Huyện được thành phố quy hoạch thành quận trong thời gian tới, tuy nhiên, bài toán đặt ra đối với huyện làm sao để khớp nối giữa khu dân cư cũ và các khu đô thị mới.

Vì vậy, huyện đang xem xét trong quy hoạch cần có những đánh giá, tầm nhìn dài hơi hơn, tránh tình trạng quá tải, xuống cấp cơ sở hạ tầng ở khu dân cư truyền thống, đặc biệt là việc không khớp nối hệ thống giao thông, nước sạch, điện, trường học với các khu đô thị mới.

Hiện nay, ở các xã có quy hoạch chỉ giới thoát lũ sông Đáy nhưng quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế vùng bãi thì chưa có, vì vậy, nhiều xã còn lúng túng trong việc phát triển dân cư và bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới thoát lũ và đê điều sông Đáy ngoài thực địa theo Quyết định 1821. Như vậy, theo tính toán, Hà Nội sẽ phải di dời 18.896 hộ dân để bảo đảm thoát lũ sông Đáy trong trường hợp tuyến đê hữu Hồng bảo vệ khu vực nội thành gặp sự cố... Đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn với Hà Nội.

Tuy nhiên, để bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch vùng thoát lũ và đời sống xã hội của nhiều địa phương nằm trong vùng quy hoạch, nên chăng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu những trường hợp đặc thù cụ thể, trong đó có việc xây dựng công trình phúc lợi xã hội, nhằm phục vụ đời sống dân sinh của nhân dân trong vùng quy hoạch thoát lũ.


Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo Báo Nhân dân)

Tag: Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở các xã ven sông Đáy
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE