Tôn vinh những giá trị làng nghề truyền thống Hoa Đào Nhật Tân!
19/01/2024 - Lượt xem: 260
Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Hoa đào, Quất cảnh và sản phẩm OCOC vùng miền xuân Giáp Thìn 2024, ngày 18/01/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội phối hợp cùng UBND quận Tây Hồ tổ chức Hội thi hoa Đào truyền thống quận Tây Hồ.
Tới dự buổi khai mạc Hội thi có: Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí; Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Hội thi, đại diện các Hiệp hội chuyên ngành và đông đảo các cơ quan báo chí đến tham dự và đưa tin.
Quang cảnh Hội thi
Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Tạ Văn Tường cho biết: Việc tổ chức lễ hội nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn TP. Đây không chỉ là hoạt động “Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị- Phát triển bền vững” những giá trị làng nghề truyền thống nói chung, tôn vinh nét đẹp làng nghề “Đào Nhật Tân”, “Quất cảnh Tứ Liên” quận Tây Hồ gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây cũng là dịp để Nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn, mua sắm phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.
Ông Tạ Văn Tường, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội, Hoa đào Nhật Tân nổi tiếng với một truyền thuyết đẹp, sau khi tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã sai lính phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng Công chúa Ngọc Hân, thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới công chúa.
Ngày nay, Nhật Tân là nơi trồng hoa đào cảnh nổi tiếng của Hà Nội từ rất lâu đời. Lấy nghề trồng đào làm nghề chủ đạo nên làng đào Nhật Tân đã góp phần thay đổi một vùng quê, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong làng. Hoa đào Nhật Tân đã trở thành thương hiệu tự hào của Thủ đô. Diện tích trồng đào Nhật Tân 78 ha, trong làng có khoảng 802 hộ dân gắn bó với nghề này và đào Nhật Tân hiện đã có sản phẩm OCOP 4 sao...
BTC, BGK Hội thi
“Thông qua lễ hội, tạo ra một sân chơi công bằng để khuyến khích các nghệ nhân trồng đào phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế...”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, tham dự Hội thi hoa Đào truyền thống quận Tây Hồ năm 2024 có 54 tác phẩm của 29 tác giả tại 2 phường Nhật Tân và Phú Thượng. Trong đó, phường Nhật Tân có 48 tác phẩm của 24 tác giả tham dự; phường Phú Thượng có 6 tác phẩm của 5 tác giả tham dự. Các tác phẩm mang đến hội thi là sản phẩm cây đào truyền thống có tuổi thọ từ 5- 10 năm được các hộ gia đình với nhiều năm kinh nghiệm trồng đào chăm, tỉa. Mỗi tác phẩm, sản phẩm dự thi đều chứa trong mình những câu chuyện riêng, thể hiện rõ nét văn hóa, đời sống, vật chất tinh thần của người Hà Nội.
Các thành viên BGK đánh giá từng tác phẩm dựa trên các tiêu chí khắt khê của BTC Hội thi đề ra
GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội đánh giá cao chất lượng các tác phẩm tham dự Hội thi năm nay. Theo đó, phần lớn tác phẩm mang đến Hội thi là các cây đào Bonsai, cây đào cổ thụ, cây đào Thất thốn truyền thống,… với nhiều kiểu dáng, được tạo tác chăm sóc công phu và có các thông điệp đầy ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát triển giá trị lịch sử văn hóa nông nghiệp làng nghề “đào Nhật Tân”.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Hội thi hoa Đào truyền thống quận Tây Hồ năm 2024 cho biết công tác chấm thi được tiến hành một cách khoa học, khách quan công tâm. Ban giám khảo hội thi hội tụ các thành phần từ đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia nghệ nhân, đại diện các Hiệp hội chuyên ngành.
Tại Hội thi hội tụ nhiều tác phẩm đào thế với đủ các tiêu chí "Cổ - Kỳ - Mỹ"
“Về tiêu chí chấm thi có 4 nhóm tiêu chí chung gồm: Dáng thế, tuổi thọ, nguồn gốc (Trực, Siêu, Hoành, Huyền; Hệ thống bệ rễ, thân, cành, răm, chi, lá (Phô thân, khoe lá, lộ căn…); Hoa, nụ, quả, lộc, hương thơm (Hoa nụ sai, cánh to phân bố đều trên cây, hương thơm tự nhiên, không mùi hóa chất…); Chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm: Tổng thể hài hoà, tôn trọng tự nhiên, có tính sáng tạo và thể hiện rõ chủ đề tư tưởng làm ra tác phẩm; Ý nghĩa chủ đề và điểm sáng tạo độc đáo tạo nên giá trị thẩm mỹ và kinh tế (Tôn vinh sự sáng tạo, kế thừa truyền thông và hiện đại…). Ngoài ra, quy chế cũng đã đề ra 13 tiêu chi riêng cho cây Đào...”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.
Được biết, hàng năm, UBND phường Nhật Tân đều tổ chức hội thi hoa đào truyền thống tại địa bàn phường Nhật Tân. Tuy nhiên, năm nay TP. Hà Nội tổ chức hội thi hoa đào, quất cảnh truyền thống cấp TP trên địa bàn quận Tây Hồ với nhiều giải thưởng. Trong đó, có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Các tác phẩm đạt giải được tôn vinh trưng bày trang trọng tại Lễ hội Hoa đào, Quất cảnh và sản phẩm OCOP xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 26/01 - 01/02/2024 tại Không gian Văn hoá sáng tạo quận Tây Hồ.
Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: theo tạp chí nông thôn phát ttriển)
Các tin tức khác