Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1629
Tổng lượt truy cập: 2,602,627

Tỉnh Sơn La: Khẳng định thương hiệu nhãn Sông Mã

13/07/2021 - Lượt xem: 447

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với ngành nghề kinh doanh trồng cây ăn quả và sản xuất long nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến sản phẩm và tham gia OCOP; đồng thời, góp phần khẳng định thương hiệu nhãn Sông Mã với thị trường trong và ngoài nước, mang lại thu nhập ngày càng cao cho các thành viên, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Huyện Sông Mã hiện có trên 7.200 ha nhãn; trong đó, gần 5.900 ha cho sản phẩm, với sản lượng quả ước đạt 55.870 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Sơ và thị trấn Sông Mã.

Cây nhãn ở Sông Mã đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật I của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 3 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, với diện tích hơn 26ha, sản lượng ước đạt 350 tấn/năm; 16 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với diện tích 951ha, sản lượng đạt trên 11.400 tấn/năm. Năm 2021, huyện Sông Mã phấn đấu xuất khẩu được 14.500 tấn nhãn.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã chứng nhận 85 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, long nhãn sấy khô của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2019.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh được thành lập từ đầu năm 2017, với ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây ăn quả, sản xuất long nhãn. Để nâng cao giá trị cây ăn quả, hợp tác xã đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn, vận động các thành viên chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Hiện nay, hợp tác xã có 56 ha cây ăn quả các loại; trong đó, chủ lực là cây nhãn với 36 ha, chiếm 64% tổng diện tích, năng xuất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng. Diện tích bưởi diễn, bưởi da xanh, cam canh của hợp tác xã là 10 ha, năng xuất bình quân đạt 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 200 tấn/năm, doanh thu trên 2,5 tỷ đồng.

Từ năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được thị trường và các doanh nghiệp như: Big C Thăng Long, VinMAX…đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết, trước đây long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50 cân đến 1 tạ. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày lên tới 5 đến 6 tạ. Do đó, hàng năm, hợp tác xã luôn duy trì sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 20 tấn long nhãn, tương đương 200 tấn quả nhãn tươi, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn trong tiêu thụ quả nhãn tươi tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động nông nhàn với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Để tạo thuận lợi cho nghề chế biến long nhãn phát triển, hợp tác xã đã cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện để các hộ thành viên được tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây ăn quả; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền các hộ sản xuất, chế biến đúng quy trình an toàn, đảm bảo vệ sinh, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn thông qua việc đóng gói bao bì, tem, nhãn mác, qua đó đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao đến với người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ông Lê Danh Phúc thông tin thêm, năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khâu tiêu thụ nhãn. Hợp tác xã luôn trăn trở tìm các giải pháp để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ hết sản phẩm cho thành viên hợp tác xã với giá cao hơn bình quân chung. Bởi vậy, hợp tác xã đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường trong và nước ngoài; tăng cường kết nối với các tiểu thương tại các chợ đầu mối nông sản, ký kết tiêu thụ với các siêu thị, các cửa hàng bán hoa quả lớn ở Hà Nội và các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai...

Thời gian tới, hợp tác xã sẽ duy trì áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, để thị trường luôn tin tưởng, đón nhận; đẩy mạnh sản xuất theo hướng trái vụ, rải vụ, đảm bảo các loại quả cho thu hoạch quanh năm, giảm sự cạnh tranh trong tiêu thụ và giá cả; đồng thời, phấn đấu đưa quả bưởi da xanh trở thành sản phẩm OCOP trong vòng một, hai năm tới.

Với cách làm đồng bộ, bài bản, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, hợp tác xã đang nỗ lực từng ngày, quyết tâm xây dựng thương hiệu long nhãn Bảo Minh đạt tiêu chuẩn OCOP từ 4-5 sao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, khẳng định thương hiệu nhãn Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung trên thị trường trong nước và quốc tế./.


Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: )

Tag: Thương hiệu nhãn Sông Mã
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1629
Tổng lượt truy cập: 2,602,627