Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 171
Tổng lượt truy cập: 2,600,041

Sự nhầm lẫn tai hại giữa "Nghề chơi" và "Thú chơi"

09/06/2021 - Lượt xem: 313

Thi thoảng đọc báo chúng ta vẫn thấy phóng viên hay dùng thành ngữ "Nghề chơi thật lắm công phu" để chỉ sự công phu trong các thú chơi sinh vật cảnh. Đọc song những chia sẻ dưới đây trên Nội san thông tấn số 8/2017, chúng ta sẽ có cái nhìn thấu đáo về sự khác biệt về ngữ và nghĩa của hai từ này.
Đọc một số bài viết về những người đam mê sưu tầm những đồ vật như: Tiền cổ, đồ cổ, đồng hồ, xe đạp, xe máy, hay chơi chim cảnh, cây cảnh, cá cảnh… một số phóng viên thường lấy câu “nghề chơi cũng lắm công phu” để nói về sự tinh tế, cầu kỳ của lĩnh vực này, thậm chí còn dùng câu trên để làm tít.
 
Việc dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao, danh ngôn hay dẫn điển tích và những câu thơ, câu nói quen thuộc… thường có tác dụng làm cho ý tứ hàm súc, có sức biểu cảm cao, đặc biệt là nếu sử dụng đúng hoàn cảnh, nó còn có sức biểu đạt của hiệu ứng “ý tại ngôn ngoại”. Tuy nhiên, việc dẫn câu “nghề chơi cũng lắm công phu” và lấy “nghề chơi” để nói về niềm yêu thích đến đam mê ở những trường hợp nêu trên có điều gì đó chưa ổn.
 
Thứ nhất, xét về ngữ nghĩa, theo Từ điển Tiếng Việt thì “nghề” hay “nghề nghiệp” là “công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội (thường phải do rèn luyện, học tập mới có)”, ví dụ: Nghề thợ mộc, nghề lái xe… Còn trên thực tế, đã nói đến nghề và việc hành nghề (có thể do yêu thích, cũng có thể do bắt buộc) là để bảo đảm có thu nhập phục vụ cho cuộc sống của mỗi người, do đó suy cho cùng mục đích của nó là kinh tế. Việc chơi hoa, chơi chim cảnh, cây cảnh, chơi đồ vật cổ… là công việc làm cho người ta thấy vui thích, chủ yếu để thỏa niềm đam mê chứ không phải nhằm mục đích kinh tế. Mặc dù để thỏa niềm đam mê, họ phải bỏ công sưu tầm, chăm sóc và cả việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua về những đồ hay con vật mình thích và mặc dù bộ sưu tập, thậm chí chỉ một cây cảnh của họ có khi là cả một tài sản lớn, nhưng đó vẫn không phải là một nghề, không phải là kế sinh nhai. Thực chất đó là “thú chơi” chứ không phải là “nghề chơi”.
 
Còn nói về “nghề chơi”, tức là “nghề” của sự “chơi bời”, “ăn chơi”, lấy “sự chơi” để sinh sống thì có lẽ trong xã hội chỉ có một, đó là “nghề” của gái lầu xanh, gái bán hoa phục vụ “khách làng chơi” mà người đời gọi một cách phũ phàng là “bán chôn nuôi miệng”.
 
Như vậy, “thú chơi” và “nghề chơi” là khác nhau một trời một vực, thậm chí về ý nghĩa còn ngược hẳn nhau: Một đằng nói về thú chơi thanh tao, một đằng nói về cái nghề bị coi là dơ dáy.
 
Có người sẽ đặt câu hỏi, vậy những người bán cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh chẳng hạn thì họ cũng nhằm mục đích kinh tế, nếu không gọi là “nghề” thì gọi bằng gì? Xin thưa, công việc bán cây cảnh, chim cảnh đúng là một nghề, nhưng đó là nghề “trồng cây cảnh”, nghề “kinh doanh cây cảnh” chứ không phải là nghề “chơi”. Có thể có người vừa chơi, vừa kinh doanh nhưng cái sự chơi cây cảnh khác hẳn với nghĩa chữ “chơi” trong “nghề chơi”; do đó không thể gọi công việc vừa chơi, vừa kinh doanh cây cảnh là “nghề chơi” được. Vì vậy, ví “thú chơi” với “nghề chơi” thật chẳng khác nào… bì phấn với vôi…
 
Thứ hai, xét về mặt văn bản, xuất xứ câu thơ “nghề chơi cũng lắm công phu” là trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cụ thể, đây là câu thứ 1201 trong số 3254 câu Kiều. Số là sau khi phải bán mình chuộc cha, Thúy Kiều bị Mã Giám sinh đưa về lầu xanh của Tú bà ở Lâm Truy. Do Kiều không chịu tiếp khách, Tú bà đã lập mưu thuê Sở Khanh đưa Kiều đi trốn nhưng lại để cho mụ bắt được, từ đó ép Kiều phải hứa “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, tức là đồng ý tiếp khách. Câu thơ trên nằm trong đoạn Tú Bà đến “dạy nghề” làng chơi cho Thúy Kiều:
 
Vừa tuần nguyệt sáng gương trong,
Tú bà ghé lại thong dong dặn dò:
“Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”
Khéo là mặt dạn mày dày,
Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
Thương thay thân phận lạc loài,
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?
 
Như vậy, xét trong bối cảnh đó, rõ ràng “nghề chơi” là để nói về công việc của gái bán hoa, gái lầu xanh… và theo quan niệm của xã hội từ trước đến nay, “nghề chơi” chỉ có một nghĩa là việc phục vụ cho thú vui xác thịt. Ấy vậy mà, cái nghề dưới đáy xã hội, đến mức cả khi Kiều chịu tiếp khách rồi vẫn còn coi đó là “mặt dạn mày dày”, lại được lấy để nói về những thú thanh tao là không ổn; thậm chí, đó còn là sự xúc phạm.
 
Nhân bàn về chuyện này, xin rút ra một điều là khi dùng thành ngữ, tục ngữ thì cần hiểu được nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ, nhất là những câu dùng phương ngữ hoặc mang tính địa phương. Còn khi trích dẫn thơ hoặc câu nói quen thuộc lại cần phải hiểu thêm xuất xứ, bối cảnh, hoàn cảnh của câu được dẫn. Nếu không, như việc lấy câu “nghề chơi cũng lắm công phu” để ca ngợi những thú chơi thanh tao sẽ chẳng khác gì… khen nhau như thế bằng mười hại nhau. Xin được nêu ra đây để cùng trao đổi.

Tổng hợp: ThS. Vương Xuân Nguyên (Nguồn: https://doisongvaphattrien.vn/su-nham-lan-tai-hai-giua-nghe-choi-va-thu-choi-a38413.html)

Tag: "Nghề chơi" và "Thú chơi"
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 171
Tổng lượt truy cập: 2,600,041