Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 6207
Tổng lượt truy cập: 2,860,579

Phát triển nông thôn, nông nghiệp đô thị - Yêu cầu mới cho phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại

29/11/2021 - Lượt xem: 433

Hà Nội đang từng bước vươn mình thực hiện hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm vị thế của Thủ đô. Vì thế, xây dựng phát triển nông thôn, nông nghiệp đô thị trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua đó, tạo động lực nội tại hướng đến phát triển bền vững, đồng thời, góp phần làm cho Thủ đô xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại

Tiềm năng, lợi thế để phát triển cả trước mắt và lâu dài
 
Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.345km2 với dân cư trên 10 triệu người. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có trên 197.000ha, chiếm 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Thành phố có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện, trong đó, có 18 huyện, thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp. Là Thủ đô nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đứng tốp đầu cả nước, diện tích gieo trồng cây hằng năm khoảng 235.000ha, diện tích đất lúa 97.000ha, rau màu cây vụ đông 32.000ha, cây lâu năm 23.500ha, trong đó, cây ăn quả 19.800ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 24.000ha…, lớn nhất các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Giá trị tăng trưởng ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2020, tăng bình quân đạt 2,6%.
 
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp của thành phố còn đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Đó là đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, ô nhiễm môi trường phát sinh, suy thoái tài nguyên, cảnh quan thành phố.
 
Thành phố hiện có 1.303 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 1.132 HTX đang hoạt động (chiếm 86,9%) và 171 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 13,1%). Trong 1.132 HTX đang hoạt động có 709 HTX kiểu cũ (297 HTX dịch vụ nông nghiệp quy mô toàn xã; 412 HTX dịch vụ nông nghiệp quy mô thôn, liên thôn); HTX kiểu mới (HTX nông nghiệp chuyên ngành) 423 HTX (116 HTX trồng trọt; 58 HTX chăn nuôi 58; 27 HTX nuôi trồng thủy sản; 5 HTX nước sạch nông thôn; 217 HTX tổng hợp).
 
Trên địa bàn thành phố một số mô hình HTX nông nghiệp chuyên ngành (kiểu mới) đã thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất thông qua hình thức: Các thành viên HTX góp đất sản xuất nông nghiệp hoặc thuê đất của các hộ dân để tổ chức sản xuất. Các HTX sau khi tích tụ tập trung ruộng đất đều đã tổ chức sản xuất hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, đưa người nông dân trở thành công nhân lao động ngay trên chính thửa ruộng của mình. Một số mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu như: HTX Công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì); HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa); HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm); HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai); HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín); HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì); HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai).
 
Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết các hộ dân thành lập các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp chuyên ngành như: Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp BALANCE LIFE, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, Công ty GreenPath... Nhìn chung, các cách tổ chức sản xuất mới, linh hoạt đem lại hiệu quả trên thực tế và phát triển bền vững.
 
Về làng nghề, thành phố Hà Nội là cái nôi phát triển làng nghề của cả nước, số lượng làng nghề chiếm 58% số làng nghề của cả nước. Theo số liệu lưu trữ, toàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề. Nhưng hiện nay, theo khảo sát điều tra thực tế của ngành Nông nghiệp Hà Nội năm 2020, thì hiện còn 807 làng nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề (543 làng đã bị mai một không đạt tiêu chí có 10% số hộ làm nghề trở lên).
 
Trong 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 64 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 195 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 11 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí...
 
Tổng doanh thu từ 313 làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng...
 
Đến nay, thành phố Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới. 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao. Còn lại 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì). Trong đó, 9 xã của huyện Ba Vì và 2 xã Lê Thanh, Bột Xuyên của huyện Mỹ Đức đã được thẩm định, đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định nông thôn mới thành phố xem xét, trình UBND thành phố công nhận. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) của huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
 
 
Xác định mô hình mới, mô thức mới trong phát triển
 
Nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, giá trị lịch sử truyền thống của văn minh nông nghiệp sẽ là sức bật lớn cho xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại. Mặc dù ngành Nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã có nhiều thành tựu lớn như đã nêu ở trên, xu thế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do có nhiều lợi thế. Nhưng, nếu cứ tiếp tục theo xu thế như hiện nay thì diện mạo ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ không khác mấy so với các tỉnh lân cận và sẽ khó có đóng góp tích cực cho xây dựng thành phố xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại. Do vậy, Thành phố cần hoàn chỉnh đưa ra một mô thức mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của  Thủ đô.
 
Yêu cầu mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đó là: “Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - thông minh - hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô và đến năm 2045, có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chung cho nông nghiệp Việt Nam: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
 
Với yêu cầu đó, Thành phố cần xác định mô hình phát triển mới và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đó là: Quy hoạch tổng thể đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh một cách hài hoà, tăng không gian xanh và diện tích mặt nước. Các vùng tập trung quanh 5 đô thị vệ tinh và những vùng thuộc các huyện đã có lộ trình lên quận cần xây dựng thành quận sinh thái. Cùng với đó, xây dựng quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, giao thông và nông nghiệp môi trường cảnh quan, quy hoạch và đầu tư xây dựng các dịch vụ phục vụ đời sống như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, sinh cảnh cao cấp để thu hút được cư dân hiện đại từ trong lõi thành phố ra sinh sống; tiến đến thu hút kiều bào và cư dân quốc tế về sinh sống hoặc du lịch, chữa bệnh, học hành… trong mô hình thành phố xanh, thành phố gắn với môi trường cảnh quan; phát triển phối hợp cân đối giữa đô thị lõi và các đô thị xung quanh 5 thành phố vệ tinh một cách hài hòa, tạo sinh kế ổn định cho đông đảo cư dân nông thôn hiện nay chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; dành quỹ đất tạo cảnh quan môi trường, cảnh quan tự nhiên, kết hợp với cơ sở vật chất đô thị hiện đại; tiêu chí phát triển nông thôn mới là nông thôn có hạ tầng đô thị và nông nghiệp đô thị với diện mạo có nhiều khác biệt với nông nghiệp chung của cả nước.
 
Phát triển nông nghiệp đô thị - thông minh - sinh thái - bền vững, xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Hà Nội là bước đi quan trọng, nhằm tạo động lực nội tại hướng đến sự phát triển bền vững của Thủ đô với dân số lớn, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, thành phố kết nối toàn cầu. Nông nghiệp phát triển trong nội đô, khu dân cư làng xã và các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo mô hình nông nghiệp sinh thái, canh tác hữu cơ và công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chất thải đô thị, tạo không gian xanh cho thành phố.
 
Xây dựng nông thôn dựa vào đặc điểm riêng theo từng vùng nhỏ có tính tương đồng về văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp kết hợp sự đan xen đa dạng với các vùng. Ở các vùng phát huy yếu tố tổng hợp về văn hóa cổ truyền, về kiến trúc, quy hoạch không gian, tổ chức cộng đồng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, gắn với văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường để tạo thành sản phẩm dịch vụ đa dạng (du lịch, nghiên cứu, đào tạo, môi trường, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật) như: Đường Lâm, Vạn Phúc, Bát Tràng... Xây dựng tại đây các viện bảo tàng, các phim trường, các làng văn hóa, các khu bảo tồn, các trường đào tạo nghề, các khu nghỉ dưỡng... thu hút một khối lượng lớn quỹ đất và tài nguyên con người. Phát triển nông thôn với các làng nghề truyền thống, nông nghiệp sinh thái sẽ tạo ra sinh cảnh mới, đem lại nhiều giá trị cho cư dân và thành phố.
 
Tạo sự khác biệt, nét đẹp riêng cho nông nghiệp, nông thôn
 
Quy hoạch không gian sản xuất nông lâm nghiệp trong quy hoạch chung tổng thể của thành phố là rất cần thiết, quy hoạch nông lâm nghiệp ổn định, không bị xâm lấn bởi các quy hoạch khác và quy hoạch đất sản xuất nông lâm nghiệp để dành đất cho việc thực hiện các quy hoạch khác theo chức năng của thành phố, để không phá vỡ cảnh quan thành phố. Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng lợi, thế, giá trị lịch sử văn hoá nông nghiệp, tạo không gian xanh, tạo cảnh quan, hài hoà trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ đỉnh cao cho việc nghiên cứu, lai tạo, bảo tồn, phát triển các loại cây con giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong thành phố và cả nước. 
 
 
Bên cạnh đó, phát triển những giống cây bản địa và vùng sản xuất có danh tiếng, là giá trị văn hoá nông nghiệp ngàn xưa để lại, không để mai một. Phục hồi và phát triển những giá trị đã và đang bị mai một, tinh chế thành đa dạng các sản phẩm có thương hiệu và giá trị như: Sen Hồ Tây, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, hồng Xuân Đỉnh, làng hoa Tây Tựu, húng Láng…. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị như: Nhãn Đại Thành (huyện Quốc Oai), nhãn Song Phương, bưởi đường Quế Dương (huyện Hoài Đức), hồng Yên Thôn (huyện Thạch Thất), bưởi Thồ (huyện Phú Xuyên)...
 
Đối với phát triển chăn nuôi sinh thái, phát triển chăn nuôi những giống bản địa như: Gà Mía (thị xã Sơn Tây), vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa), các giống lợn bản địa, giống thú cưng, từng bước liên kết vùng để phát triển chăn nuôi công nghiệp ra ngoài thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống ao, hồ, diện tích mặt nước lớn tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển những giống cá nuôi truyền thống, thông dụng, những giống cá đặc sản, giống đặc sản bản địa, giống cá cảnh. Phát triển diện tích mặt nước vừa để nuôi trồng thủy sản, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái, điều hoà không khí các tiểu vùng khí hậu, dự trữ nguồn tài nguyên nước, dự trữ nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp (thay nguồn nước sông ô nhiễm) áp dụng công nghệ cao tưới thấm tưới nhỏ giọt và chống úng ngập cục bộ cho thành phố.
 
Với quy hoạch phát triển lâm nghiệp của Thành phố, để phát triển được cảnh quan, không gian xanh, giá trị môi trường từ cây xanh đem lại. Mặt khác khai thác được giá trị kinh tế từ rừng, từ cây xanh đem lại thì, với diện tích rừng hiện có cần quy hoạch chuyển đổi diện tích đất rừng sang diện tích đất khác để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng, khai thác dịch vụ cảnh quan, du lịch giáo dục trải nghiệm, phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, phát triển hệ sinh thái chủ thể rừng, làm giàu rừng. Phát triển trồng cây tập trung, cây phân tán về nội đô, về các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, tạo không gian cảnh quan, sinh hoạt cộng đồng cho cư dân thủ đô. Sử dụng các cây cảnh quan, cây xanh bóng mát, cây kiêm dụng cho hiệu quả kinh tế từ hoa, quả, cây cảnh…
 
Còn quy hoạch đê điều, thủy lợi, nạo vét khơi thông để các dòng sông liên thông, tự chảy, để tăng năng lực phòng chống thiên tai, tiêu thoát lũ, cung cấp nước sạch cho sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề, di tích lịch sử văn hoá theo dòng chảy các con sông trên địa bàn Thủ đô.
 
Có thể nói, với mô hình phát triển nông thôn, nông nghiệp đô thị như đã nêu ở trên sẽ góp phần tạo ra nét đẹp, nét riêng có, vừa xanh, văn hiến, thông minh, hiện đại cho Thủ đô. Nhưng để thực hiện được thì theo quy định của pháp luật hiện hành thực hiện chung cho cả nước sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện theo đặc thù riêng của Hà Nội. Rất cần Trung ương phân cấp cho thành phố Hà Nội được phê duyệt toàn bộ quy hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp, phê duyệt chuyển đổi loại đất trong sản xuất nông nghiệp, phê duyệt chuyển đất nông nghiệp sang đất công nghiệp chế biến tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phê duyệt quy hoạch đê điều, thoát lũ. Ban hành chính sách đặc thù phát triển nông thôn, nông nghiệp đô thị theo đặc thù riêng của Hà Nội, không căn cứ vào các chính sách chung phát triển nông nghiệp, nông thôn của cả nước. Những nội dung trên cần được đưa vào Luật Thủ Đô để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
 

 


Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội))

Tag: Phát triển nông thôn nông nghiệp đô thị - Yêu cầu mới cho phát triển Thủ đô xanh văn hiến thông minh hiện đại
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE