Phát triển mô hình Làng - Nghề du lịch gắn với xây dựng hình ảnh đất nước con người Việt Nam
10/09/2023 - Lượt xem: 72
Truyền thống và hiện đại trong phát triển các làng nghề truyền thống được coi là một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, đồng thời là nhân tố góp phần tạo nên hệ giá trị mới trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay cả nước có hơn 5000 làng nghề; trong đó có 889 làng truyền thống đã được công nhận . Để khơi dậy được tối đa tiềm năng, lợi thế của làng nghề truyền thống, mang dấu ấn thương hiệu của địa phương và quốc gia đặc biệt quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, phát triển mô hình làng – nghề du lịch gắn với xây dựng hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè trên toàn thế giới, “nét văn hóa Việt Nam có nhiều đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa quốc tế” .
Thực hiện đúng “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030" nhằm phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống, tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới vừa thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần và sáng tạo của nghệ nhân, cải thiện thu nhập đối với người dân làm việc tại các làng nghề truyền thống trên cả nước.
Làng nghề vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng khi làng nghề đó có khả năng hấp dẫn, thu hút khách, vừa là sản phẩm du lịch bổ sung khi tạo ra những mặt hàng lưu niệm cho du khách. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng. Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống cần được xem là một hướng đi để xây dựng một sản phẩm du lịch mới, có tổ chức và sự kết nối giữa các làng nghề, hướng tới loại hình du lịch cộng đồng, có trách nhiệm với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc . Vì vậy, đất nước Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, kết hợp với kinh nghiệm học hỏi từ các quốc gia phát triển…đồng thời phát huy tiềm năng ngành công nghiệp du lịch là mũi nhọn.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn: “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 70 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 10/2021; tăng 23,3% so với tháng 11/2020. Tính chung trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu mây, tre, cói, thảm của Việt Nam đạt 771 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ vừa qua, sản phẩm mây, tre, cói, thảm được xuất khẩu sang 59 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 15,15 triệu USD, tăng 25,5% so với kỳ trước; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,82 triệu USD, tăng 13,0%; xuất khẩu sang Pháp đạt 2,46 triệu USD, tăng 115,9%; xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 2,34 triệu USD, tăng 81,6%... .Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213.000 cơ sở. Trong đó, có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210.000 hộ gia đình; tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60.000 tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: Sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt trên 878 triệu USD (tăng 43,8% so với năm 2020); Sản phẩm gốm, sứ đạt trên 674 triệu USD (tăng 16,1% so với năm 2020).
Sản phẩm thủ công của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi bên cạnh sự tinh tế, tài khéo của sản phẩm còn toát lên những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa dân tộc. Nhưng vấn đề cần đặt ra vừa phải bảo tồn những di sản, duy trì giá trị văn hóa dân tộc đồng thời vừa phải xây dựng chiến lược phát triển mô hình làng – nghề du lịch, đẩy mạnh phát triển mẫu mã các sản phẩm thủ công; thiết kế mang tính đương đại, bắt kịp xu thế tiêu dùng thế giới, đặc biệt là nhu cầu của giới trẻ và kết nối với kênh quảng bá du lịch để cùng song song phát triển hai ngành “công nghiệp mũi nhọn” tại Việt Nam.
Giải pháp phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống là một giải pháp khả thi mang lại hiệu quả tích cực và bền vững, thu hút khách du lịch và có tác động mạnh mẽ trở lại trong mục tiêu phát triển chung của đất nước. Đây là một hướng đi rất quan trọng để gìn giữ, giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của quốc gia đồng thời gắn với xây dựng nét đẹp văn hóa về đất nước, con người Việt Nam.
- Căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể để xây dựng hướng quy hoạch tích hợp giữa xây dựng làng xã và điểm dân cư nông thôn đặc thù với quy hoạch du lịch và định hướng bảo tồn. Quy hoạch đặc thù với tổ chức không gian cho hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại, không gian phục vụ sản xuất được thiết lập đồng bộ với tổ chức không gian điểm dân cư, không gian sản xuất làng nghề và bảo tồn các không gian văn hóa… đảm bảo được mục tiêu trước mắt và lâu dài trong kế hoạch phát triển bền vững.
- Khi du khách đến với các điểm du lịch làng nghề truyền thống còn mong muốn chiêm ngưỡng, khám phá sự mới mẻ và có thể trực tiếp trải nghiệm, tham gia vào hoạt động sản xuất cùng với mỗi người dân, người thợ thủ công. Và có thể mua về các sản phẩm thủ công làm vật kỷ niệm, làm quà tặng cho mỗi người thân trong chuyến đi của mình.
- Đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật tại các vùng có tiềm năng để tăng khả năng tiếp cận nơi có tài nguyên du lịch, đồng thời cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền.
- Hoạt động của làng nghề sẽ thu hút một lượng không nhỏ nguồn lao động tại địa phương tham gia vào dịch vụ hỗ trợ du lịch. Đây là chủ thể của mọi hoạt động: bảo tồn, quản lý và khai thác góp phần giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập, thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội. Tạo ra mức cân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập của người lao động giữa các vùng, miền, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội giữa các khu vực đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại địa phương.
- Định hướng phát triển, gắn kết các làng nghề truyền thống vào các hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho hàng loạt các nhà điều hành du lịch và phát triển tour xây dựng nhiều chương trình khám phá, học hỏi…từ đó tìm kiếm thêm các nhà đầu tư ở bên ngoài để phát triển lợi thế của vùng đất này. Liên kết xây dựng các khu ngủ mát tiềm năng, các dịch vụ nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm …vừa phục vụ khách tham quan với những ấn tượng tốt, tiếp đón nồng hậu, chất lượng được kỳ vọng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống được nhiều người biết đến, mở rộng giao lưu quốc tế và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nghề truyền thống được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, được lưu truyền, vun đắp và gìn giữ cho con cháu dân tộc Việt Nam. Thực hiện điều này chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Mô hình làng - nghề du lịch nếu được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả sẽ trở thành một trong những kênh giới thiệu, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, tạo điều kiện để làng nghề có cơ hội phát triển nhanh hơn, có khả năng để cơ giới hóa và hiện đại hóa góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Kết luận
Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch là một hướng đi mới mang lại nhiều lợi ích cho nhiều địa phương, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống. Chính vì vậy, cần có định hướng phát triển rõ ràng và xây dựng những chiến lược lâu dài, phát triển kinh tế làng nghề sẽ góp phần trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tại địa phương, không ngừng phát huy sáng tạo, tô điểm thêm nét văn hóa cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, giữ được hình ảnh, nét riêng khi nhắc về con người, đất nước Việt Nam
Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)
Các tin tức khác