Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4302
Tổng lượt truy cập: 2,620,155

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT 'Chúng tôi không cần các tỉnh gửi con số đẹp để báo cáo'

11/11/2021 - Lượt xem: 1094

Một khi báo cáo chính trị của các cấp ủy Đảng buộc phải ghi dòng phát triển kinh tế tập thể thế này, thế kia thì còn có tình trạng làm đẹp con số…

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT

Yếu thì nên giải thể nhưng không phải vội xóa hàng loạt

Một số người, một số nơi vẫn đang nhầm lẫn giữa hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp hay nghĩ khi HTX phát triển lên thì chuyển thành doanh nghiệp. Trên thế giới hiếm có doanh nghiệp nào tồn tại được vài chục năm nhưng có những HTX tồn tại đến mấy trăm năm như của Hà Lan dù đây là nước không hề có luật HTX.
 
Thậm chí khi HTX phát triển còn kết nạp thêm doanh nghiệp vào thành các tập đoàn của mình. Tại sao HTX của họ lại duy trì được như thế? Là bởi trong HTX có một nguyên tắc mở, hễ ai nhất trí với điều lệ thì vào, còn không thì rút vốn vẫn có nhiều thành viên khác. Nó không giống như các công ty trách nhiệm hữu hạn là vào nhưng khi rút vốn ra có khi doanh nghiệp lại tan luôn.
 
Thêm vào đó khác với doanh nghiệp các HTX trích lại một phần vốn không chia, bản chất là để cho các thế hệ duy trì, tích lũy. Bởi thế có những HTX có tới 4 - 5 thế hệ thành viên trong gia đình cùng tham gia.
 
HTX yếu kém, nếu không hoạt động được thì nên cương quyết giải thể bởi để thì tỷ lệ xấu nhiều, tỷ lệ tốt thành ra lại ít. Thứ nữa để thế rất phản cảm. Tuy nhiên không chỉ nhăm nhăm vào chuyện giải thể, xóa roẹt một cái cả loạt. Như huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định xóa một lúc mấy chục HTX nhưng rồi lại thành lập lại mấy chục HTX với quy mô nhỏ hơn, tài sản không có gì, có mỗi sân kho, trụ sở thì đem đi đấu giá thì cũng cần phải xem lại, liệu có phải là tự nguyện hay không.
 
Một buổi chấm điểm, xếp hạng OCOP ở Hà Nội
 
Hồi đó, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có bảo tôi tìm hiểu chuyện này. Tôi xuống Hải Hậu 2 lần, về không báo cáo là việc làm đó tốt hay xấu nhưng trong thâm tâm cũng thấy lo. Nếu HTX toàn xã xưa cồng kềnh, mỗi người đẻ ra đã thành viên, góp vốn chỉ tượng trưng thì đúng là cha chung không ai khóc, phải rà soát lại.
 
Các HTX toàn xã kiểu cũ dạng này có từ tỉnh Bình Thuận trở ra phía Bắc với số lượng hơn 7.500 cái, làm các dịch vụ đầu vào là chính, hiện đã giải thể được khoảng 4.000 cái, tài sản bị đem đấu giá hay chuyển cho UBND xã quản lý. Nhưng vẫn còn hơn 3.000 cái trong đó 20% hoạt động có hiệu quả, 30% cầm cự tốt, khoảng 50% còn khó khăn chỉ làm được dịch vụ đầu vào, không chuyển đổi được mô hình hoạt động cho phù hợp.
 
Số chuyển đổi tốt như HTX Yên Phú của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ 3.000 xã viên, rà soát lại chỉ còn 160 gồm những người thực sự có nhu cầu, chung lưng đấu cật, có đóng góp vốn. Họ duy trì tốt các dịch vụ, kênh mương, trụ sở được duy tu, sửa chữa, những xã viên cũ nhưng không góp vốn lại trở thành thành viên sử dụng dịch vụ của HTX. Bởi thế, phải có những rà soát lại cho kỹ, đừng thấy HTX hoạt động yếu mà vội xóa đi ngay là mất đi những tài sản của tập thể.
 
Chúng ta không cần phải chạy theo số lượng HTX, cái bây giờ cần quan tâm là quy mô và khả năng huy động thành viên. HTX càng đông thành viên thì hoạt động càng bền vững bởi vì nguyên tắc dân chủ, 1 cái đầu nghĩ không bằng 2 cái đầu, 5 cái đầu nghĩ thì tốt hơn 4 cái đầu nghĩ. Và hàng trăm cái đầu cùng chung lưng đấu cật thì bền vững hơn chỉ có vài ông bỏ tiền túi ra.
 
Ngay cả trong đợt dịch Covid này theo báo cáo của nhiều nước thì khả năng vượt qua khủng hoảng của khu vực HTX rất tốt bởi có nhiều giải pháp hơn, chia sẻ rủi ro tốt hơn. Không chỉ phân chia lợi ích mà lúc gặp rủi ro nếu như doanh nghiệp tư nhân có 1 người chủ, trách nhiệm hữu hạn có vài người, doanh nghiệp cổ phần có khoảng vài chục người là cùng, thì việc phân chia rủi ro không thể bằng hàng trăm, hàng ngàn thành viên của HTX được.
 
Thực tế ngay ở Việt Nam có nhiều HTX trong đợt dịch qua, các thành viên không lấy cổ tức mà để lại cho HTX để chia sẻ. Ngược lại HTX không hề lấy giá dịch vụ mà chỉ lấy mục tiêu tiêu thụ được nông sản cho các thành viên.
 
Quy mô của HTX phải lớn lên, cả về doanh thu lẫn số thành viên. Thế giới họ mong muốn kết nạp càng nhiều thành viên vào khu vực HTX càng tốt nên người ta mới dùng chỉ số bao nhiêu thành viên HTX/100.000 dân. Chẳng hạn như ở Singapore cứ 2 người dân có 1 người tham gia HTX, như Hà Lan 1 người dân thì có hơn 1 thành viên HTX bởi 1 người tham gia nhiều loại HTX, như bang QueBec của Canada có hơn 8,1 triệu dân thì có 8,4 triệu thành viên HTX…
 
Có tình trạng dựng HTX lên cho đủ tiêu chí NTM
 
Ở một số nơi đúng là có tình trạng cứ cấy, dựng lên các HTX cho đủ tiêu chí nông thôn mới. Năm 2019 chúng tôi thống kê có khoảng 1.300 HTX như vậy. Có những cái điển hình ở tỉnh Lào Cai như báo Nông nghiệp Việt Nam từng đăng tải, thành lập HTX, dựng biển hiệu lên, hơn 1 năm sau con dấu vẫn còn bọc trong hộp lụa, chưa dùng một lần. Sau này khi thay đổi tiêu chí nông thôn mới là có HTX nhưng phải hoạt động hiệu quả thì chuyện đó đỡ hơn, giờ tôi ước còn khoảng 700 HTX như vậy.  
 
Liên kết tạo nên sức mạnh
 
Chúng tôi không cần con số đẹp để báo cáo. Chúng tôi không phủ nhận chuyện con số thống kê chưa đủ tin cậy. Khi báo cáo chính trị của các cấp ủy Đảng buộc phải ghi dòng phát triển kinh tế tập thể thế này thế kia thì còn có tình trạng làm đẹp con số. HTX càng yếu thì tình trạng đó càng thấy rõ.
 
Thực hiện theo thông tư số 09 của Bộ NN-PTNT với 15 tiêu chí, 22 chỉ tiêu, đo, đếm, chấm điểm, xếp hạng HTX theo tốt, khá, trung bình, yếu thì không hề cảm tính nhưng tôi thấy nhiều địa phương làm theo kiểu “bốc thuốc”. Họ thực hiện không bài bản, không kiểm tra nên số liệu không phản ánh đúng thực tế.
 
Muốn biết rõ HTX mạnh hay yếu phải nhìn vào quy mô, gồm số lượng dịch vụ, số lượng thành viên và doanh thu. Bây giờ mà đem những cái đó của ta mà so với Thái Lan đã là một trời một vực chứ chưa nói so với châu Âu, ta chỉ bằng họ cách đây 60 năm. Tuy nhiên nếu quy mô HTX của ta tăng quá nhanh có khi năng lực quản lý lại không theo kịp.
 
So với liên kết lại, làm ăn đơn lẻ sẽ khó thành công hơn
 
Về tổng thể của bức tranh HTX hiện nay còn rất yếu, rất khó khăn nhưng nhìn góc độ tiềm năng cũng như đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp quản trị thì lại khác. Giai đoạn này HTX đang đáp ứng những yêu cầu cơ bản của nền nông nghiệp quản trị. Chúng ta không thể đổ lỗi do Chính phủ, địa phương hay dân không quan tâm đến HTX trước đây. Hồi đó HTX chỉ quan tâm đến đầu vào mà không quan tâm đến đầu ra là bởi có giai đoạn nông nghiệp của ta không quản trị chất lượng.
 
Sản xuất ra 1 tấn rau sạch bán cũng ngang giá với 1 tấn rau không an toàn thì ai vào HTX làm gì? Chỉ khi chúng ta quản trị tốt được đầu ra, phân định được rõ ràng về chất lượng và giá bán thì nông dân mới có động cơ để tham gia vào HTX. Đó chính là chính sách hỗ trợ cho HTX một cách tốt nhất chứ không phải là cho cụ thể bao nhiêu đồng.
 
Nếu khu vực kinh tế tập thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước kể cả ở nước ngoài lẫn ở ta đều không thành công. Ở nước ngoài, một số nước dùng khu vực kinh tế hợp tác như là cách lách các “hộp vàng, hộp đỏ” của WTO bởi nếu hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân là vi phạm trợ giá sản xuất, nhưng nếu hỗ trợ qua HTX thì sẽ đảm bảo là “hộp xanh”. Mọi chính sách do đó đều được hỗ trợ qua HTX. Quốc gia họ hỗ trợ qua HTX rồi đến Hội đồng vùng, tỉnh, liên xã thậm chí cấp thấp hơn, hỗ trợ đến 5 vòng đều an toàn cả.
 
Việt Nam tuy chưa trợ giá sản xuất đến tỷ lệ trần nhưng với xu thế trên thì nên trợ giá cho HTX sẽ hợp lý hơn là trợ giá trực tiếp cho nông dân.

Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo Báo NNVN))

Tag: Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT 'Chúng tôi không cần các tỉnh gửi con số đẹp để báo cáo'
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE