Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1057
Tổng lượt truy cập: 2,795,438

Những người phụ nữ ''giữ lửa'' làng nghề Hà Nội

10/03/2023 - Lượt xem: 157

Thủ đô Hà Nội - mảnh đất trăm nghề, có bề dày văn hóa, lịch sử và cả những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Để "giữ lửa" làng nghề, không ít phụ nữ Thủ đô miệt mài tìm cách nối nghiệp cha ông, khởi nghiệp từ làng nghề nơi họ sinh ra, và họ đã thành công, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống...

Từ chiếc nón lá truyền thống của quê hương, với nhiều ý tưởng phong phú, nghệ nhân Tạ Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) đã sáng tạo hàng trăm mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn chinh phục được nhiều người nước ngoài.

Để quảng bá sản phẩm làng nghề hiệu quả, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã thành lập tại gia đình điểm kết nối du lịch làng nghề. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị đón hàng nghìn du khách trong các tour du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề.

“Từ làng Chuông, những chiếc nón lá mang tâm hồn Việt theo du khách đi khắp nơi trên thế giới. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu 5.000-6.000 chiếc nón lụa và nón thêu phong cảnh, không chỉ mang về nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng”, nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết thêm.

Tình yêu đối với sản phẩm làng nghề đã ăn sâu vào tâm trí và niềm đam mê của nhiều phụ nữ, bà Lê Thị Kim Thư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết, làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay. Qua dòng thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Theo bà Kim Thư, từ những sản phẩm thủ công, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cùng sự sáng tạo, nhiều nữ nghệ nhân, thợ giỏi làng lụa đã tạo ra các sản phẩm có hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn, mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người dùng. Có thể nói, từ đôi tay khéo léo và khối óc, nhiều phụ nữ đã "thổi hồn" vào sản phẩm, biến nguyên liệu thô sơ thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống của con người. Đặc biệt, sản phẩm còn có giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Làng lụa Vạn Phúc đang là địa chỉ du lịch hấp dẫn nhiều du khách tham quan, mua sắm...

Có thể nói, làng nghề phát triển đến hôm nay một phần là nhờ những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, trong đó có sự đóng góp của phụ nữ. Bằng tình yêu, niềm đam mê với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức mong muốn lớp thợ trẻ sẽ kế cận, có tình yêu với lụa tơ sen để nhân rộng dòng sản phẩm đặc biệt này của làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) nổi tiếng, để làng nghề không bị mai một mà phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Đánh giá về đóng góp của phụ nữ trong việc giữ gìn, bảo vệ thương hiệu làng nghề, bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội cho biết, làng nghề Hà Nội có tính sáng tạo cao với sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Cùng với gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông... còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Sơn mài Ngọ Hạ; sừng Thụy Ứng, Thường Tín; quạt Chàng Sơn; rối nước Đào Thục; hoa Tây Tựu; thêu Quất Động; mây tre giang đan Chương Mỹ; cốm Mễ Trì cùng nhiều làng nghề khác đã được công nhận thương hiệu quốc gia. Các làng nghề thu hút hơn 1 triệu lao động tham gia, trong đó, nhiều làng nghề lao động nữ chiếm trên 65%.

Với nỗ lực gìn giữ, tạo dựng thương hiệu cho nghề truyền thống, phụ nữ làng nghề không ngừng đam mê nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao tay nghề, tạo những sản phẩm làng nghề ngày càng độc đáo, sử dụng từ nguyên liệu tự nhiên và có giá trị kinh tế cao. Đồng hành với phụ nữ làng nghề, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội luôn tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại làng nghề.

Để lưu giữ tinh hoa làng nghề, rất cần các cấp chính quyền chủ động hơn trong hỗ trợ phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các vùng đất có nghề cần chú trọng việc đào tạo truyền dạy nghề, cần coi là công việc bức thiết. Đặc biệt, cần có sự động viên, khích lệ lực lượng lao động nữ tại các làng nghề, bởi dù "yếu mềm" nhưng họ luôn là yếu tố không thể thiếu trong việc "giữ lửa" cho làng nghề sáng mãi..

 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo HNM)

Tag: Những người phụ nữ ''giữ lửa'' làng nghề Hà Nội
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE