Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4448
Tổng lượt truy cập: 2,800,763

Huyện ven đô ''chuyển mình'' cùng OCOP

23/12/2022 - Lượt xem: 604

Là một trong những huyện ven đô đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng Đan Phượng vẫn có nhiều làng nghề và sản phẩm nông nghiệp tham gia và được chứng nhận trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Sau khi được chứng nhận, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, giúp thúc đẩy kinh tế cho các chủ thể và địa phương.

Các sản phẩm của huyện Đan Phượng tham gia đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP năm 2022.

Khai thác tối đa lợi thế

Liên Trung là một trong những xã có nghề mộc rất phát triển ở Đan Phượng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Quang Long, cả xã có hàng nghìn hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia sản xuất và làm dịch vụ từ nghề này. Nhờ đó, Liên Trung là một trong những xã có kinh tế hộ mạnh nhất huyện. Từ lợi thế này, năm 2022, lần đầu tiên xã lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP là: “Tủ quần áo gỗ hương xám”, “Tủ quần áo gỗ hương đá”, “Bàn trang điểm gỗ xoan đào”. Ngoài ra, có lợi thế vùng đất bãi giữa sông Hồng đang phát triển vùng trồng rau an toàn, xã chọn 6 sản phẩm dự thi là: Rau cải, mùng tơi, đậu cove... Các sản phẩm đều đã được chấm qua vòng đánh giá cấp huyện và vòng 1 của thành phố, đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP.
 
Tại xã Đồng Tháp, hiện còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, người dân dần chuyển đổi từ lúa sang mô hình trồng hoa, có hiệu quả cao hơn. Anh Bùi Văn Khá, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Đồng Tháp cho biết, trên cơ sở vùng trồng hoa được hình thành từ 5 năm qua, tháng 8-2022, 8 hộ đã liên kết thành lập hợp tác xã chuyên canh hoa đồng tiền trên diện tích 25ha. Mô hình trồng hoa đồng tiền có nhiều lợi thế, cây hoa chỉ trồng 1 lần, chăm sóc tốt là ra hoa liên tục, người trồng hoa thu được hoa trong rất nhiều năm. “Cứ 3 ngày chúng tôi đi cắt hoa một lần với số lượng khoảng 400 bông/sào. Thời điểm hiện tại, giá hoa đồng tiền 1.200-1.500 đồng/bông, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân... Tham gia chương trình OCOP, hợp tác xã mong muốn được quảng bá sản phẩm để có thêm thị trường tiêu thụ tốt hơn”, anh Khá cho biết.
 
 
Hoa đồng tiền được trồng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng, trong đó xã Đồng Tháp
 
đã có sản phẩm hoa dự thi OCOP năm 2022.
 
Bên cạnh thế mạnh từ làng nghề và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, người dân Đan Phượng cũng nhanh nhạy học hỏi, phát triển thêm nhiều nghề mới. Là chủ thể của 3 sản phẩm dự thi OCOP năm 2022, gồm: “Tượng phật Cụ no đủ đá onyx xanh”,  “Tượng phật Di lặc cách điệu bằng đá onyx hồng”, “Mặt dây chuyền bản mệnh đá ngọc bích xanh”, ông Nguyễn Văn Thành (xã Thọ An) cho biết: “Thọ An trước đây là xã thuần nông, không có nghề phụ. Từ khoảng năm 1990, tôi đã đi học nghề chế tác đá mỹ nghệ và mang về địa phương. Vừa sản xuất, tôi vừa dạy cho nhiều lao động trong vùng, đến nay xã Thọ An đã có 20 hộ làm nghề chế tác đá trên các chất liệu như: Thạch anh, mã não, rubi, onyx...”.
 
Trong khi đó, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lương (xã Hồng Hà) lại đi học nghề làm kem và phát triển ở địa phương. Chị Lương có 8 sản phẩm kem: Dừa, dâu, cốm, sô-cô-la... tham gia đánh giá, phân hạng chương trình OCOP năm 2022 và là chủ thể có nhiều sản phẩm tham gia nhất của huyện Đan Phượng.
 
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, trong các năm 2019-2021, huyện đã có 74 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP. Năm 2022, huyện có 23 sản phẩm dự thi, đều đã được đánh giá lần 1 đạt tiêu chí, tiếp tục tham gia đánh giá lần 2 và đề nghị thành phố chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022.
 
Bước phát triển mới
 
Là một trong những hộ đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2020, ông Nguyễn Văn Hợi, hộ trồng nho hạ đen ở xã Phương Đình phấn khởi cho biết: “Khi mới tham gia chương trình OCOP, gia đình chỉ có diện tích trồng nho khiêm tốn vài trăm mét vuông thì đến nay đã phát triển lên cả héc-ta. Khi đó, sản phẩm mới đạt an toàn thì đến nay đã được chứng nhận VietGAP. Trước đây là hộ trồng nho thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Đình thì đến nay, đã thành lập được hợp tác xã mới chuyên ngành về nho".
 
Tương tự, theo bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng), sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP, hợp tác xã đã lớn mạnh, thường xuyên chuyển giao công nghệ sản xuất rau hữu cơ cho người dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không chỉ dừng ở việc trồng và bán rau...
 
 
Mô hình trồng rau hữu cơ của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng).
 
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, việc đưa sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP đã tạo đà cho rất nhiều hộ nông dân, hợp tác xã phát triển sản phẩm bài bản hơn và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. “Đến hết năm 2022, dự kiến huyện Đan Phượng có 11/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đứng đầu thành phố”, bà Hiền nói.
 
Hiện nay, huyện Đan Phượng đang tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể để các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP, như: Hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập các hợp tác xã chuyên ngành; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp; tuyên truyền quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm...
 
Thời gian tới, huyện từng bước phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch. Đây là các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút đông đảo du khách đến huyện khám phá và trải nghiệm. “Sở Du lịch thành phố Hà Nội đã khảo sát thực tế các mô hình trồng nho, trồng nấm, trồng bưởi tôm vàng… để thí điểm mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mở hướng phát triển mới cho nông dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chia sẻ.
 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: theo báo nhịp sống hn)

Tag: Huyện ven đô ''chuyển mình'' cùng OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE