Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1486
Tổng lượt truy cập: 2,601,485

Huyện Mê Linh: Chàng trai 8X tiên phong trong lĩnh vực sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao

13/09/2021 - Lượt xem: 418

Tại mảnh đất Mê Linh, Thành phố Hà Nội anh hùng, chàng trai Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1988) là một trong những gương thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thành công với mô hình nuôi cấy mô và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được nhiều bạn trẻ biết đến.
 
Anh Nguyễn Xuân Trường hiện đang sở hữu một cơ sở nuôi cấy mô tế bào với số vốn đầu tư ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Hệ thống phòng mô có diện tích rộng hơn 200m2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị đầu tư, pha chế…
 
Mô hình cấy mô tế bào thực hiện trên các giống hoa cúc, đồng tiền, hồng, Cẩm Chướng, Hoa Lan… trong đó hoa cúc là chủ lực. Từ cơ sở nuôi cấy mô này, hàng năm anh Trường đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ hàng triệu cây giống hoa chất lượng cao.
 
Theo anh Trường, việc sử dụng giống hoa được nhân từ phòng cấy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng giống thông thường, ít sâu bệnh và thân thiện với môi trường.
 
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy song sản xuất cây giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô không phải là bài toán đơn giản. Phương pháp này đòi hỏi nông dân cần đầu tư vốn lớn và quan trọng nhất là quy trình nuôi cấy mô rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nên cần phải nắm vững khoa học kỹ thuật.
 
Kể lại quá trình khởi nghiệp, anh Trường cho biết, anh vốn tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí của trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp nhưng cả tuổi thơ của anh là những kỷ niệm, mùi hương của làng nghề trồng hoa Mê Linh. Đó cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên.
 
Anh Trường tâm sự: “Trong bản thân tôi luôn có một ước mơ cháy bỏng là phát triển nghề trồng hoa của gia đình. Thời điểm năm 2009, tôi chứng kiến hoa trong xã mất mùa hàng loạt. Hàng triệu cây giống bị chết, hàng trăm hộ trồng hoa bị mất trắng tiền vốn, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu, tôi đã buồn và suy nghĩ rất nhiều. Kể cả vốn liếng của gia đình tôi tích cóp đầu tư trồng hoa cũng bị thua lỗ, trồng đến đâu cây chết đến đó”.
 
 
Nói về nguyên nhân khiến cho nghề trồng hoa thời điểm đó lại thất bại, anh Trường cho biết: Khi đó, bà con nông dân tại địa phương chỉ biết làm theo kỹ thuật cũ, lạc hậu. Họ canh tác một loại hoa trên cùng diện tích trong hàng chục năm không đổi, khiến các loại sâu, bệnh trên cây kháng thuốc. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, phân hóa học nhiều, lâu ngày khiến đất bị chai lì, mất độ pH càng khiến cây mắc nhiều dịch bệnh hơn.
 
Chính điều này đã thôi thúc anh Trường phải làm gì đó để thay đổi và anh đã nghĩ ngay đến phương án người trồng hoa phải thay đổi ngay lập tức phương thức canh tác và thay đổi giống cây.
 
Nghĩ là làm anh cùng gia đình đã thay đổi phương thức trồng cây mới để mọi người làm theo. Anh trồng hoa 2 - 3 vụ (mỗi vụ 2 - 3 tháng), luân phiên trồng 1 vụ lúa, hoa màu để thay đổi đất trồng, sau đó trồng hoa trở lại. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu sản xuất cây giống.
 
Năm 2010, anh Trường lặn lội vào tận Đà Lạt và sang cả Trung Quốc để học hỏi và tìm tòi giống cây mới. Anh đã đầu tư 200 triệu đồng để mua cây giống từ Đà Lạt và Trung Quốc về trồng tại Mê Linh. Tuy nhiên, sau thời gian trồng cây giống mới, anh Trường nhận thấy năng suất, chất lượng hoa không đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Không bỏ cuộc, đến giữa năm 2011, anh Trường đã tìm những kỹ sư, nhà khoa học tâm huyết với nghề, đề nghị cùng kết hợp để thành lập một phòng nghiên cứu mô tế bào thực vật. Tại đây, thường xuyên có 8 - 10 kỹ sư làm việc, nghiên cứu các giống hoa sao cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
 
Mặc dù giá thành của cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cao hơn cây giống thông thường từ 5 đến 10% nhưng nhiều hộ dân đã lựa chọn sản phẩm cây giống từ trang trại của anh Trường do đặc tính kháng bệnh và thích ứng với điều kiện khí hậu.
 
Đến nay cơ sở của anh Trường đã cung cấp cây giống cho bà con ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước dịch Covid-19, anh Trường còn nhận được nhiều đơn đặt hàng cây giống xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc và thị trường nổi tiếng khắt khe là Nhật Bản, với doanh thu hàng năm lên đến 7 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, từ mô hình nuôi cấy mô, anh Trường cho nhân giống và trồng các loại hoa tại các trang trại ở Mê Linh (gần 3ha) và Sóc Sơn (2ha).
 
 
Tại các trang trại của anh Trường, việc trồng, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh từ khâu đầu tiên đến khi thu hoạch bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Kiểm soát nhiệt độ vào từng thời điểm sinh trưởng của cây, như áp dụng máy móc vào sản xuất và thành quả nghiên cứu của cây. Lượng phân, phun thuốc cho cây giảm hơn từ 30 đến 50%, nên giá trị tăng vượt trội.
 
Không chỉ làm giàu cho chính bản thân, các trang trại của anh Trường cũng đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
 
Đặc biệt, anh Trường còn cung cấp giống mới, vốn trồng hoa cúc cho nhiều hộ gia đình trong xã tận tình hướng dẫn kỹ thuật áp dụng khoa học công nghệ mới trong việc nuôi, trồng hoa cúc cho mọi người.
 
Với những đóng góp cho quê hương, anh Nguyễn Xuân Trường đã vinh dự được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.
 
Anh Trường sẻ thêm thời gian tới, đối với mô hình trồng hoa, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đầu tư hệ thống nhà kính, hệ thống bảo quản, xây dựng thương hiệu để phát triển và nhân rộng mô hình.
 
Đối với cơ sở nuôi cấy mô, anh Trường dự kiến mở rộng cơ sở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt và trong chăn nuôi…/.

 

 

Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: Báo TTTĐ)

Tag: Huyện Mê Linh: Chàng trai 8X tiên phong trong lĩnh vực sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1486
Tổng lượt truy cập: 2,601,485