Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1220
Tổng lượt truy cập: 2,573,332

Huyện Gia Lâm: Áp dụng PGS để nâng cao chất lượng rau

28/11/2022 - Lượt xem: 659

Là vựa rau an toàn lớn của Thủ đô với gần 120ha, trong những năm qua, vùng rau an toàn xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai mô hình giám sát cộng đồng (PGS) trong sản xuất, giúp địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm rau an toàn ngay từ vùng sản xuất

Năm 2018, Tổ chức phi chính phủ Rikolto (Bỉ) đã hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá xây dựng mô hình PGS bao gồm xác định cơ cấu, xây dựng cơ chế, chứng nhận, xử lý vi phạm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó giúp thay đổi cơ bản quy trình sản xuất rau sạch tại đây.

Hợp tác xã đã thành lập 15 tổ PGS, mỗi tổ có sự tham gia giám sát của người sản xuất, hợp tác xã, đơn vị thu mua và cơ quan quản lý nhà nước. Hằng tháng, hợp tác xã họp thống nhất kế hoạch và phân công công việc cho các tổ. Các tổ được tập huấn, ghi chép nhật ký trồng rau và thanh tra chéo sản phẩm. Các hộ đóng góp tiền quản lý, tem, đóng gói; còn hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức xét nghiệm đạt chuẩn rau an toàn.
 
Bà Nguyễn Thị Chung, Tổ trưởng tổ PGS số 3 thôn Hoàng Long chia sẻ, trước đây, rau an toàn của xã được bán cho các bếp ăn, chợ truyền thống, các đơn vị kinh doanh với thương hiệu của đối tác, không hiển thị thương hiệu của Đặng Xá trên bao bì sản phẩm; giá cả bấp bênh, chưa đúng với giá trị, chất lượng; xảy ra tình trạng “được mùa - mất giá” hoặc sản phẩm bị ế; người tiêu dùng chưa phân biệt được sự khác biệt giữa rau sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với sản phẩm sản xuất truyền thống...
 
Từ khi tham gia vào hoạt động tại tổ PGS với đại diện ban điều phối các nhóm có đại diện hợp tác xã, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, đại diện khách hàng và nông dân, trách nhiệm mỗi thành viên được quy định rất cụ thể. Nhờ áp dụng PGS cùng quy trình sản xuất an toàn được thực hiện nghiêm túc, hiện giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác trồng rau an toàn đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm.
 
Thực tế, việc áp dụng PGS đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội bởi từ quá trình gieo hạt, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được nông dân ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký. Định kỳ 2 tuần/lần, thành viên trong nhóm họp bàn kế hoạch sản xuất, tiêu thụ để có thể điều chỉnh kịp thời sản lượng rau trồng. Các thành viên và trưởng nhóm cũng thường xuyên kiểm tra chéo, nếu vi phạm nguyên tắc sản xuất an toàn, thành viên sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị loại ra khỏi nhóm. Với sự giám sát, hỗ trợ của các đơn vị thường xuyên lấy mẫu rau của hợp tác xã, việc lấy mẫu diễn ra ngẫu nhiên vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ sản xuất, có năm lấy tới cả trăm mẫu rau của địa phương để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Kết quả, sản phẩm rau của địa phương luôn đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
 
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho biết, sản xuất theo PGS giúp lợi nhuận tăng cao hơn vì người dân tự chứng nhận bảo đảm chất lượng cho nhau thông qua hoạt động giám sát chéo thay vì nhờ bên thứ ba. Trong một nhóm sản xuất có nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng tham gia giám sát để bảo đảm quá trình diễn ra minh bạch. Đặc biệt, việc tiêu thụ nông sản của nông dân dễ dàng hơn nhờ kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống được tính toán kỹ dựa trên mùa vụ, nhu cầu thị trường...
 
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, với gần 120ha chuyên canh, đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có hơn 30ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 1ha rau hữu cơ đa dạng sản phẩm (bắp cải, cải, mồng tơi, rau muống, rau ngót…), từ khi áp dụng mô hình PGS trong canh tác, có sự hợp tác giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp đã giúp các bên gia tăng lợi ích trong quản lý rau an toàn, người tiêu dùng có niềm tin về chất lượng rau an toàn, yên tâm sử dụng. Đây là thành công bước đầu trong kết nối, tạo chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại Hà Nội.
 
Để xã Đặng Xá tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, rất mong thành phố và huyện Gia Lâm quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông nội đồng, đường điện, nước… phục vụ sản xuất
 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo HNM)

Tag: Huyện Gia Lâm: Áp dụng PGS để nâng cao chất lượng rau
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE