Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 21893
Tổng lượt truy cập: 30,226,810

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ – LÀNG NGHỀ BÁNH DẦY QUÁN GÁNH

20/08/2023 - Lượt xem: 140

Những câu ca tinh túy nói lên sự thơm ngon của tấm bánh dầy đặc sản của phố Quán Gánh - làng Thượng Đình – xã Nhị Khê – huyện Thường Tín – Hà Nội. Gọi là một tấm bánh, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài. Bánh dầy Quán Gánh đã trở thành hình tượng giàu tính nhân văn.

“Dù ai chồng rẫy, vợ chê,
Bánh giầy Quán Gánh lại về với nhau.
Ăn trước thì bảo người sau,
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”.

 “Bánh Dầy Quán Gánh” một món ăn rất thanh tao, dân dã mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, sâu sắc được nhắc đến trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.

Tiền thân của phố Quán Gánh thuộc làng Thượng Đình, là một trong 4 làng của xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội – Quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Dân làng Thượng Đình với bản chất cần cù, thông minh và khéo léo, đã chế biến những nông sản quê hương trở thành món ngon nổi tiếng là Bánh Dầy, được bày bán trên phố Quán Gánh và đã trở thành đặc sản nổi tiếng “Bánh Dầy Quán Gánh”.

Để có được chiếc bánh dầy ngon, khách ăn một lại muốn ăn hai, và đã ăn một lần còn nhớ mãi, dân làng Thượng Đình từ xưa đến nay đã truyền nhau thực hiện các công đoạn làm bánh, tuy đơn giản nhưng rất nghiêm ngặt. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là nếp cái hoa vàng, nếp quýt và đậu xanh lòng vàng và hương cà cuống. Tất cả các nguyên liệu trên đều được sản xuất ở quê hương.

Gạo nếp làm bánh là thứ gạo có độ dẻo cao, có mùi rất thơm. Trước khi làm bánh, gạo được chọn rất kỹ, hạt gạo phải đều nhau, không lẫn tẻ, không bạc bụng, không lẫn sạn….Gạo phải được giã kỹ, trắng muốt, sau khi giã phải giần sạch cám, sảy hết muội trấu. Khi vốc vào tay, hạt gạo óng mát và thoang thoảng mùi thơm.

Bánh dầy Quán Gánh có 3 loại: Chay, ngọt và mặn. Bánh chay không nhân, thường ăn kèm với giò, chả hoặc chè đường. Bánh ngọt là nhân đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn, xào với đường, dừa bào. Bánh mặn nhân đỗ xanh được đồ chín, nghiền nát ướp với tiêu xay mang tới hương vị đặc trưng khi thưởng thức.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Học chia sẻ: “Để kịp cho những mẻ bánh trong ngày thì gia đình cô phải dậy từ 1-2 giờ sáng. Có những hôm khách đặt hàng làm lễ hội hoặc đám cưới thì coi như mọi người trong gia đình xoay chuyển giờ giấc không có thời gian nghỉ ngơi.”

“Nghề làm bánh dầy vất vả là thế, những gói bánh bán ra cũng chỉ từ 20-25 nghìn đồng 1 gói. Nhưng cô vẫn muốn giữ gìn nghề truyền thống này, vì cái nghề đã ngấm vào máu thịt của cô từ ngày còn bé”, Cô Học chia sẻ thêm.

Bánh dày Quán Gánh đã dần khẳng định vị thế ưu ái và niềm tin của người tiêu dùng, không chỉ nổi tiếng trong vùng, mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước cũng thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương

 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ – LÀNG NGHỀ BÁNH DẦY QUÁN GÁNH
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 21893
Tổng lượt truy cập: 30,226,810