Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 10719
Tổng lượt truy cập: 2,769,453

Hoài Đức nâng ''chất'' nông thôn mới

16/12/2021 - Lượt xem: 441

Phấn đấu trở thành quận của Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng đô thị để các xã trở thành phường, huyện trở thành quận trong tương lai gần. Hiện nhiều đề án, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển căn bản và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Nông thôn mới theo hướng đô thị

Cuối năm 2016, huyện Hoài Đức có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, Hoài Đức đã trở thành huyện nông thôn mới. Song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện chú trọng phát triển đô thị hóa, phấn đấu trở thành một quận của Thủ đô. Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch, dồn lực đầu tư cho các xã thực hiện các tiêu chí và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.
 
Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong 5 năm gần đây, xã Lại Yên đã huy động được gần 280 tỷ đồng cho việc đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, xã đã xây mới nhà văn hóa trung tâm và nhà văn hóa thôn 2; nâng cấp và thảm nhựa được gần 7km đường nông thôn; cải tạo, làm mới 6,8km đường nội đồng; xây dựng mới và cải tạo các trường tiểu học, trung học cơ sở... Đặc biệt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, xã đã xây dựng 4 vườn hoa, khu vui chơi công cộng...
 
 
Nghề làm miến dong truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức).
 
Từ năm 2018 đến nay, xã Minh Khai đã huy động được gần 396 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, người dân đã hiến hơn 1.300m² đất thổ cư, 1.200m² đất nông nghiệp và ủng hộ nhiều ngày công để mở rộng các tuyến đường trong khu dân cư và giao thông, thủy lợi nội đồng. Thời điểm này, xã Minh Khai đang thực hiện hàng chục công trình hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông, nhiều tuyến có mặt cắt trên 10m, có vỉa hè... làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
 
Mới đây, các xã Lại Yên và Minh Khai đã được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định thành phố xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Như vậy, tính cả xã Yên Sở đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, Hoài Đức đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đáp ứng mục tiêu đề ra. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 7 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận.
 
Nâng cao thu nhập cho người dân
 
Tại xã Minh Khai những ngày cuối năm 2021, không khí sản xuất của làng nghề chế biến miến dong lớn nhất nhì thành phố càng thêm nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai cho biết, dịp này, mỗi ngày gia đình bà sản xuất được 1 tấn miến khô. Từ năm 2018, gia đình đã đầu tư hệ thống sấy miến nên miến sạch hơn và cũng chủ động trong sản xuất, không lo trời mưa phải nghỉ việc như trước. Cơ sở sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng, xã có hơn 500 hộ dân làm nghề truyền thống, đa số đều đầu tư máy móc, sản xuất quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao. Nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm và cho người dân thu nhập cao, hiện bình quân đạt 64 triệu đồng/người/năm.
 
Trong khi đó, xã Lại Yên tiếp giáp với khu vực nội thành nên các hộ dân rất nhạy bén trong phát triển công nghiệp, dịch vụ… Chủ tịch UBND xã Lại Yên Nguyễn Ngọc Đức cho biết, Lại Yên đang chuyển đổi mạnh sang phát triển công nghiệp, đô thị. Xã hiện có hơn 40 doanh nghiệp, hơn 240 hộ sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ của xã chiếm 90,6% cơ cấu sản xuất. Năm 2021, thu nhập bình quân trên địa bàn ước đạt 65,9 triệu đồng/người/năm.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, huyện quy hoạch thành 2 vùng, phía Đông là vùng phát triển đô thị, phía Tây là vùng phát triển nông nghiệp. Đối với khu vực phát triển nông nghiệp, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao như vùng trồng nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương; vùng trồng rau an toàn... Đặc biệt, Hoài Đức đã có 3 sản phẩm gồm nhãn chín muộn, bưởi đường Quế Dương và phật thủ Đắc Sở được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
 
Cùng với đó, Hoài Đức có 53/54 làng đạt tiêu chí làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề được thành phố công nhận. Sản phẩm làng nghề không ngừng phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng giảm.
 
Những kết quả đạt được từ việc thúc đẩy các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Hoài Đức. Đây chính là động lực mới để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xây dựng quê hương từng ngày thêm văn minh, hiện đại.
 

Tổng hợp: (Nguồn: Phùng Giang (Theo Tạp chí Làng nghề Việt Nam))

Tag: Hoài Đức nâng ''chất'' nông thôn mới
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 10719
Tổng lượt truy cập: 2,769,453