Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 9139
Tổng lượt truy cập: 2,794,008

Hà Nội: Từ chuyện tình buồn Phú Nhi đến thương hiệu OCOP nổi tiếng

10/11/2022 - Lượt xem: 226

Bánh tẻ Phú Nhi mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng bao tâm tình của người làm bánh, tạo nên thức quà quê xứ Đoài nức tiếng gần xa.
 
Tích bánh tẻ Phú Nhi xưa bắt đầu từ chuyện tình của chàng Nguyễn Phú và nàng Hoàng Nhi. Làng Phú Nhi xưa có nghề nấu bánh đúc, còn gọi là làng Bần Nhi, nay là phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
 
Nguyễn Phú ở Giáp Ðoài, thông minh, sáng sủa, con bà Trọng làm nghề bán dầu vỏ, bố là người nông dân hiền lành chất phác. Hoàng Nhi là con bà Hương làm nghề nấu bánh đúc hằng ngày đem bán – và nàng Nhi thường đem hàng cho mẹ.
 
Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ hằng ngày, vì Nhi phải đem hàng cho mẹ. Cuộc tình cứ thế lớn dần theo ngày tháng. Nguyễn Phú đánh bạo sang nhà nàng chơi - đúng lúc Nhi đang khuấy nồi bánh đúc. Vì vội ra mở cổng mời chàng Phú vào nhà mà nàng quên bẵng việc cho vôi vào nồi bột. Rồi mải trò chuyện, tâm tình họ quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp lửa. Khi biết thì lửa đã tắt, nồi bánh đúc thành nửa sống, nửa chín không dùng được nữa.
 
 
Bố Hoàng Nhi là người rất nghiêm khắc, phong kiến biết chuyện bực lắm, bèn đuổi chàng Phú về cùng chỗ bánh đúc hỏng và cấm hai người gặp nhau, cấm Hoàng Nhi mang hàng cho mẹ. Thế là đôi trẻ mãi chẳng có dịp được gặp nhau, khiến Hoàng Nhi vì chuyện này mà buồn bã, ốm nặng rồi qua đời.
 
Chàng Phú thì đem chỗ bánh đúc hỏng về, nghĩ bỏ đi thì tiếc nên ra vườn lấy lá dong, lá chuối khô, làm nhân mộc nhĩ, thịt nạc gói lại thành bánh đem luộc lại. Khi có mùi thơm bốc lên, Phú dỡ bánh ra, thấy ăn cả lúc nóng và khi nguội đều ngon hơn bánh đúc.
 
Vào ngày giỗ của Hoàng Nhi, Phú tự tay làm lại nồi bánh… và đã mày mò cách nấu loại bánh mới cho mẹ đem ra chợ bán. Loại bánh mới nhanh chóng được ưa chuộng, bán rất chạy và nhà Phú trở nên giàu có hơn. Chiếc bánh tẻ Phú Nhi ra đời theo truyền thuyết đó.
 
Kết thúc chuyện tình chàng Phú – nàng Nhi là những ngày giỗ nàng chàng tự tay làm những chiếc bánh thật ngon gửi sang nhà nàng cúng và tưởng nhớ người yêu xưa. Chàng không lấy vợ, chỉ chuyên tâm cho nghề. Thứ bánh ngon tâm huyết chàng cũng không để làm của riêng, mà dạy lại cho dân làng để món bánh tẻ được lưu truyền mãi mãi – và tâm nguyện của Phú đã thành hiện thực. 
 
Bánh tẻ Phú Nhi giờ vẫn nổi tiếng ngon, có mặt trong các đám tiệc, đám cỗ, giỗ. Ai đi qua Phú Nhi, khi ra về cũng tự tay chọn những chiếc bánh thơm lừng làm quà biếu.
 
Bánh tẻ Phú Nhi được làm từ loại gạo ngon nhất, xay thành bột để ráo, rồi nấu qua cho dẻo. Thịt ba chỉ, mộc nhĩ và hành khô băm nhỏ, cho chút tiêu, chút muối xào vừa vặn làm nhân. Bánh gói bằng lá dong, bọc ngoài thêm hai lượt lá chuối khô và lấy lạt buộc lại. Mẻ bánh mới luộc xong nghi ngút khói, thơm lừng níu chân thực khách tứ phương.
 
Bà Phạm Thị Bình (Chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình) tâm sự: “Dịch covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất của gia đình, có những ngày chúng tôi không làm nổi một mẻ bánh, kinh tế vì vậy cũng đi xuống rất nhiều. Thế nhưng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hiện tại việc sản xuất đã đi vào ổn định, bánh tẻ Phú Nhi lại đỏ lửa mỗi ngày, phục vụ nhu cầu của bà con mỗi khi dừng chân ghé lại xứ Đoài”.
 
 
Bánh tẻ không phải ở Phú Nhi mới có, nhưng xét về hương vị thì thức quà quê xứ Đoài vẫn mang một nét riêng mà không đâu lẫn được. Điểm đặc biệt nhất cần nói đến đó là cách thái thịt làm nhân. Đối với bánh tẻ nơi khác, thịt sẽ được xay nhỏ rồi trộn với mộc nhĩ, hành khô; nhưng với bánh tẻ Phú Nhi, thịt được thái chứ không xay, thực khách khi ăn thấy được miếng thịt con chì trong nhân, hòa quện, bùi bùi.
 
Hiện sản phẩm bánh tẻ thường được bán ở các chợ quê với giá thành bình dân khoảng 7.000đ/ chiếc. Đặc biệt, để mở rộng thị trường, bánh tẻ còn được bán online cho khách hàng khắp nơi, trở thành thức quà không thể thiếu tại các điểm du lịch của Đường Lâm
 
 
Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi phát triển, bên cạnh việc mang lại giá trị về kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, còn góp phần xây dựng nông thôn mới và lưu giữ, phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc.
 
Bà Đỗ Thị Phương (Chủ tịch Hội nông dân phường Phú Thịnh) cho biết: “Trước đây, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đã rất nổi tiếng và được thực khách ưa chuộng, bánh tẻ của gia đình bà Bình cũng đón không ít du khách tới tham quan, thưởng thức. Có thể nói, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, sản lượng tiêu thụ ở cơ sở tăng lên đáng kể, điều này góp phần thúc đẩy kinh tế của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.” 
 
Đưa món bánh mộc mạc đến tay từng thực khách gần xa, người dân làng Phú Nhi mong muốn quảng bá nét đẹp ẩm thực độc đáo của một vùng quê ven đô. Dù ít người biết đến chuyện tình buồn của chàng Phú và nàng Nhi, nhưng hương vị bánh tẻ xa xưa thì ngày càng gần gũi, khiến những ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên
 
 
 

 

 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo Tạp chí Làng nghề Việt)

Tag: Hà Nội: Từ chuyện tình buồn Phú Nhi đến thương hiệu OCOP nổi tiếng
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE