Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4682
Tổng lượt truy cập: 2,801,833

Hà Nội nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới

08/02/2022 - Lượt xem: 569

Năm 2021 khép lại ghi nhận những dấu ấn hết sức đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội. Vượt qua những khó khăn hạn chế về nguồn lực đầu tư cùng với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, thành phố có 382/382 xã đã về đích NTM, 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, 47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã có cuộc trao đổi về những nỗ lực của Hà Nội để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí

- Ông có thể cho biết những nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành của thành phố trong xây dựng NTM để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021?
 
- Có thể nói, năm qua, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây, nhưng phong trào xây dựng NTM của Hà Nội vẫn giữ được nhịp độ để về đích theo kế hoạch đề ra. Đến nay, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây) đạt chuẩn NTM. 6 huyện còn lại chưa đạt chuẩn NTM, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng Thẩm định trung ương xem xét, công nhận các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa đạt chuẩn NTM (trong đó, huyện Phú Xuyên đang chờ Hội đồng Thẩm định trung ương tổ chức họp thẩm định, huyện Chương Mỹ đã được Đoàn Thẩm định trung ương đánh giá đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định trung ương xem xét; hai huyện Mê Linh, Ứng Hòa đang chờ Đoàn Thẩm định trung ương đánh giá, công nhận). Hai huyện: Ba Vì và Mỹ Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi đang tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2022.
 
Đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân. Trong đó, dấu ấn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" và vai trò của Sở NN&PTNT Hà Nội (cơ quan Thường trực Chương trình số 04-CTr/TU) trong việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng NTM thông qua những nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt hiệu quả, thiết thực. Đơn cử, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nông sản đến thời vụ thu hoạch khó tiêu thụ, giá thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, song song tập trung cho công tác phòng, chống dịch, tích cực xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp để không đứt gãy các chuỗi nông sản, bảo đảm “đầu vào” và “đầu ra” cho sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. 
 
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác Thành phố thăm cơ sở sản xuất hoa lan công nghệ cao tại thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng
 
- Kết quả đạt được cho thấy chương trình xây dựng NTM thành phố đang đi rất trúng, rất đúng và được lòng dân, thưa ông?
 
- Đến nay, 382/382 (đạt 100%) số xã của Hà Nội đạt chuẩn NTM, 47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở hầu hết các địa phương, việc xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã tạo nên bước chuyển về “chất”, kiến tạo nên các làng quê NTM nâng cao “đáng sống” so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM cách đây ít năm.
 
Hoàn thành xây dựng xã NTM chính là tiền đề để tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đơn cử những xã của huyện Đan Phượng là một ví dụ, được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ nét. Tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các lĩnh vực: Môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch đều tiến bộ, khởi sắc là tiền đề vững chắc để địa phương hoàn thiện các tiêu chí thành phường theo định hướng của thành phố đưa huyện này thành quận. Tương tự, tại các xã Thọ Xuân, Liên Hà, Song Phượng và Tân Hội được công nhận xã NTM kiểu mẫu, diện mạo có những thay đổi toàn diện, đời sống người dân được nâng cao, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp…
 
- Thưa ông, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, ngành NN&PTNT Hà Nội vẫn vượt quá khó khăn, không những duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…, còn làm tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)?
 
- Đúng vậy, trong thành tích chung về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội có đóng góp rất quan trọng của từ Chương trình OCOP. Năm qua, Hà Nội có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá, phân hạng đủ điều kiện trình UBND thành phố quyết định công nhận (vượt kế hoạch thành phố giao 400 sản phẩm OCOP năm 2021). Có được kết quả này không thể không nhắc tới sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số, thông qua hàng loạt sự kiện như: Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội; tổ chức diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn. Chúng tôi cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức 5 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (Livestream) với gần 500 học viên tham dự của 273 đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và thuộc 20 tỉnh, thành phố.
 
 
Các đại biểu cắt băng khánh thành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội năm 2021
 
Năm qua, chúng tôi cũng tổ chức mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” và Chương trình thí điểm sự kiện “Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền” trên nền tảng kỹ thuật số nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Tổ chức hội nghị công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP thành phố kết hợp trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Tổ chức thành công 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2021. Tổ chức 2 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng) tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội).
 
Các sự kiện trên đã hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiệu hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thúc đẩy sự phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo.
 
 
Trồng hoa áp dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao
 
- Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội sẽ tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp nào để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình số 04-CTr/TU, thưa ông?
 
- Năm 2022, dự báo vừa có thuận lợi, khó khăn và thách thức, do đó, chúng tôi đã chủ động tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội xác định rõ để có giải pháp thích ứng phù hợp. Theo đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của Trung ương và Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình 04-CTr/TU và Chương trình OCOP. Tổ chức đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn NTM; đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn NTM theo quy định. Hà Nội phấn đấu năm 2022, có thêm 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM, Chương trình OCOP các cấp, từ cán bộ huyện, thị xã tới lãnh đạo các xã, thôn phù hợp với tình hình mới và cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi. Với phương châm đổi mới tư duy, nâng tầm dự báo chiến lược, đổi mới sáng tạo để mang lại giá trị gia tăng cao hơn từ các sản phẩm OCOP, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng...
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!

 


Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội))

Tag: Hà Nội nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE