Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4451
Tổng lượt truy cập: 2,800,644

Hà Nội lập mã số vùng trồng chuối, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc

28/12/2021 - Lượt xem: 749

Hà Nội đã tìm cách giải bài toán ứ đọng sản phẩm chuối và bệnh nan y Panama trên cây chuối bằng một kế hoạch mang tính tiên phong

Từ cây trồng phụ thành cây trồng chính

Tại Hà Nội, cây chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực (bưởi, chuối, nhãn, cam) và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ... trong đó gồm 2 giống chính là chuối tây và chuối tiêu. Theo anh Dương Văn Sơn-Trạm Phó Trạm Thực nghiệm Cây trồng thuộc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, Thủ đô có nhiều sông như sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đà với các bờ bãi rất phù hợp cho cây chuối phát triển. Giá trị kinh tế khá cao, dễ sản xuất, cực ngắn ngày là lợi thế của cây chuối. Theo số liệu Niên giám Thống kê năm 2019, diện tích gieo trồng chuối của Hà Nội là 3.294 ha, đứng thứ 2 sau cây bưởi, với sản lượng đạt 74.195 tấn, hiệu quả kinh tế đạt từ 350 - 400 triệu đồng/ha.
 
Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn với cây chuối, thứ nhất là tiêu thụ hay bị dồn ứ và bệnh nan y Panama vô phương cứu chữa, Hà Nội có lường trước được những điều đó? Tôi hỏi anh Sơn. Anh trả lời: “Ứ đọng trong việc tiêu thụ chuối các năm vừa rồi do bà con trồng một cách tự phát, nhỏ lẻ, không có quy hoạch, khi tiêu thụ bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái của Trung Quốc theo đường xuất khẩu tiểu ngạch. Lúc nào họ “ăn” hàng thì bán được còn không thì rất khó. Còn để đối phó với bệnh Panama thì phải lấy mẫu phân tích, chọn vùng sạch bệnh hay nếu ít bệnh thì tìm cách xử lý..”.
 
 
Chuẩn bị đất thực hiện mô hình
 
Nhận thấy vấn đề trên, TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 5472/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật để hướng tới xuất khẩu chính ngạch cho nhiều nước chứ không chỉ lệ thuộc vào mỗi thị trường Trung Quốc. Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội là đơn vị được Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội giao trực tiếp triển khai kế hoạch này.
 
Để xác định vùng trồng thích hợp, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã triển khai rà soát các vùng trồng chuối có diện tích đủ lớn để phát triển thành vùng hàng hóa của 28 xã trên 7 huyện, lấy mẫu (đất, thân, rễ cây chuối) để phân tích nấm bệnh Panama gây nguy cơ vàng lá, rủ tầu. Với tổng số mẫu được lấy mỗi loại là 185 mẫu đất, 185 mẫu rễ, 185 mẫu thân, đã lựa chọn được các vùng trồng chuối an toàn, ổn định gồm xã Cổ Bi, Phú Thị (huyện Gia Lâm), xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), xã Hoàng Kim, Văn Khê (huyện Mê Linh), xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), xã Thuần Mỹ, Phú Phương (huyện Ba Vì).
 
 
Nhân giống cho mô hình
 
Có một số điểm thuộc vùng đất nhiễm nhẹ cần xử lý đất bằng luân canh cây trồng với các cây họ khác, bổ sung vi sinh vật vào trước khi trồng như xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), xã Phú Châu, Minh Châu, Châu Sơn (huyện Ba Vì). Qua phân tích, không có điểm nào thuộc nguy cơ cao không thể trồng được chuối. Ngày 23/9/2021, Cục BVTV đã có công văn cấp giấy các nhận vùng trồng cho Hà Nội.
 
Thứ cây không bị bỏ phí một bộ phận nào
 
Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai hỗ trợ trồng mới 11 ha chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàng Kim huyện Mê Linh với giống chuối tiêu hồng và tiêu Nam Mỹ. Hệ thống tưới tự động ở đây đã giúp giảm hẳn chi phí về công lao động, tiết kiệm nước và tăng hiệu quả. Các hộ nông dân ở đây cũng đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật với ghi chép nhật ký đầy đủ.
 
Để nâng cao chất lượng, năng suất tăng hơn so với sản xuất truyền thống từ 10-15%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đơn vị còn thực hiện mô hình chuối ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ sản xuất đến thu hoạch, áp dụng chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha tại Xã Hồng Hà huyện Đan Phượng. Theo đó, thực hiện bao buồng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động, lắp đặt hệ thống ròng rọc thu hoạch chuối, sử dụng chế phẩm vi sinh...
 
 
Chuẩn bị vận chuyển giống.
 
Song song đó, năm 2021 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ cấp 3 mã vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Cụ thể xã Văn Khê  huyện Mê Linh có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 15ha và xã Hồng Hà huyện Đan Phượng có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 13,5 ha và 1 vùng trồng chuối tiêu ven sông rộng 17,5 ha.
 
Với nhiều nội dung được hỗ trợ như: Đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các hiệp định thương mại tự do mới Việt Nam ký kết, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống/tiêu chuẩn OTAS; Khảo sát, đánh giá vùng trồng; Thu thập thông tin vùng trồng, tiến hành đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối, hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng trồng chuối tập trung và rải rác;
 
Giám định sinh vật hại trong danh mục cấm, dư lượng thuốc BVTV; Lập báo cáo đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu, các tư vấn, khuyến nghị; Thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm; Kiểm tra, giám sát định kỳ sau cấp mã; Cập nhật dữ liệu kiểm tra lên hệ thống/tiêu chuẩn OTAS thông qua trang web...
 
 
Cắm biển mã số vùng trồng
 
Theo bà Hoàng Thị Hòa-Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường. Hàng rào kỹ thuật này vốn là bước khó khăn mà trước đây còn là vấn đề hạn chế của hầu hết các vùng trồng chuối trên địa bàn. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối sẽ càng được nâng cao.
 
Để đảm bảo cho khâu tiêu thụ sản phẩm chuối một cách bền vững, hiện đã có 3 doanh nghiệp đồng hành với Hà Nội. Thứ nhất là hướng khai thác sản phẩm quả chuối tươi bán nội tiêu, xuất khẩu; thứ hai là khai thác sản phẩm chuối sấy cả quả, chuối cắt lát sấy bán nội tiêu, xuất khẩu; thứ ba là tận dụng thân chuối để kéo sợi dệt túi, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, tàu lá bán cho các cửa hàng đóng gói nông sản đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường; Cuối cùng là thân cây chuối nếu không dùng đến thì đem ủ với chế phẩm vi sinh thành phân bón cho cây trồng.  
 
Dù đã có những tín hiệu mới, khả quan, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn chưa đảm bảo với nhu cầu của sản xuất. Sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của của các điểm còn lúng túng chưa kịp thời nhất là những hợp tác xã vụ đầu, năm đầu tiên tham gia...
 
Mà nguyên nhân là do lãnh đạo một số xã, HTX còn ngại khó khăn, chưa làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền vận động, thuyết phục nông dân. Tư tưởng chủ quan nhận thức về sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu chưa đầy đủ của một vài cơ sở cán bộ xã, hợp tác xã gây khó khăn, trở ngại cho việc quản lý, chỉ đạo, phối hợp của Trung tâm.
 
Kế hoạch trong năm 2022 của đơn vị là hỗ trợ trồng mới 25 ha, quy mô 5 ha trở lên ở mỗi điểm; Ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu 10 ha, quy mô 3 ha trở lên ở mỗi điểm; Hỗ trợ thí điểm sử dụng hệ thống ròng rọc để vận chuyển chuối; Hỗ trợ khu sơ chế, đóng gói và đưa công nghệ xử lý sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm như sử dụng chế phẩm sát khuẩn bằng nước Ozon, Anolyte...; Bảo quản chuối bằng kho lạnh có điều khiển nhiệt độ, ẩm độ tự động;  Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết hướng tới xuất khẩu cho các doanh nghiệp, HTX.

 


Tổng hợp: (Nguồn: Phùng Giang (Theo Báo Nông nghiệp VN))

Tag: Hà Nội lập mã số vùng trồng chuối giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE