Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4164
Tổng lượt truy cập: 2,585,238

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tạo sức bật cho Hợp tác xã

25/11/2023 - Lượt xem: 47

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất tạo sức bật mới cho nhiều HTX.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.170 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 682 HTX tổng hợp; 387 HTX trồng trọt; 68 HTX chăn nuôi; 28 HTX nuôi trồng thủy sản; 05 HTX nước sạch. Theo kết quả đánh giá phân loại năm 2022, có 61,02% HTX hoạt động từ khá trở lên, 38,9% HTX hoạt động trung bình, yếu.

Đến nay, Hà Nội có 132 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. 100% HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, HACCP. Cơ bản các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó có các mô hình HTX tiêu biểu như: HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết, huyện Ứng Hòa; HTX Sản xuất & Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; HTX Sản xuất & Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, huyện Đông Anh; HXT Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì…

Trong đó, tại HTX thủy sản công nghệ cao Đại Áng, với sự nỗ lực không ngừng, sau 5 năm phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản, áp dụng công nghệ "sông trong ao", đến nay HTX thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì đã xây dựng được chuỗi liên kết ổn định với vùng nuôi trồng rộng hàng trăm héc ta và nhà xưởng chế biến hiện đại, để cung cấp từ 5-7 tấn cá thành phẩm ra thị trường mỗi ngày, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên HTX và cả người nông dân tham gia chuỗi liên kết.

Từ năm 2018, chính quyền xã Đại Áng đã vận động các hộ dân, làm đầu mối trung gian để tổ chức cho các gia đình ký kết hợp đồng cho thuê đất, giao lại cho HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ "sông trong ao".

Với diện tích đất thuê được của các hộ dân, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã bắt tay vào đào đắp, cải tạo; đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ "sông trong ao". Trên diện tích 15ha, HTX đã triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản "sông trong ao" với 15 bể nuôi. Ở trong các bể nuôi sẽ lắp đặt các thiết bị như máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, oxy hoá… Đến nay, sau hơn 5 năm, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đi vào hoạt động ổn định. Mô hình nuôi cá này đã đạt sản lượng ổn định khoảng gần 400 tấn cá/năm, cao gấp gần 2 lần so với nuôi cá theo kiểu truyền thống. Sau khi trừ các chi phí lãi khoảng 8 tỷ đồng/năm. Qua đó, tạo được công ăn việc làm cho khoảng hơn 20 lao động trong xã.

Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của HTX đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, nhiều năm nay chưa phát hiện trường hợp mất an toàn.

Không chỉ tự nuôi trồng, HTX còn liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài địa bàn huyện Thanh Trì để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản. Tổng số đơn vị trong chuỗi liên kết của HTX đến nay đã lên tới hơn 70 hộ. 100% các đơn vị liên kết phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng VietGAP và bảo quản, chế biến đạt chất lượng HACCP.

Tuy nhiên, các HTX vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị. Theo ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc HTX Thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng, mô hình của HTX là mô hình nuôi cá sạch theo công nghệ của Mỹ, đảm bảo vệ sinh, đảm bảo quy trình nuôi khép kín, cá nuôi được sục khí, vệ sinh thường xuyên nên không có mùi tanh… Hiện nay, HTX cũng liên kết với đơn vị cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể nhà trường, công ty để tiêu thụ sản phẩm với sản lượng lớn. Nhưng do thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng hiện nay vẫn thích mua cá tươi ngoài chợ. Chính vì vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến đầu ra của HTX gặp khó khăn.

Để giải quyết hạn chế, vướng mắc, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu, xúc tiến thương mại để sản phẩm của HTX được biết đến nhiều hơn, tăn cường hỗ trợ các khâu xúc tiến thương mại, kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Tăng cường tuyên truyền, thông tin để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm để mua sắm, tiêu dùng.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố phát triển, theo ông Nguyễn Văn Chí, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX, trong đó tập trung xây dựng và tuyên truyền về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật của HTX nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX.

 

Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: Theo Chinhphu.vn)

Tag: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tạo sức bật cho Hợp tác xã
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE